English | Français   rss
Liên kết
Phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tại kỳ họp quốc hội lần thứ 5, Quốc hội (10-06-2009 09:56)
Góp ý
Sáng 9/6/2009, tại phiên thảo luận, sau khi nghe báo cáo Đề án về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014, PGS. TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Khoá XII đã có bài phát biểu tại Hội trường. Bản tin Đại học Huế xin trích đăng toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa Chủ toạ phiên họp, 

Kính thưa Quốc hội,

Là đại biểu đang công tác tại cơ sở giáo dục Đại học, tôi rất quan tâm và nghiên cứu khá kỹ bản Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục vừa được Chính phủ trình trước Quốc hội. Tuy còn một số điểm cần tiếp tục bổ sung điều chỉnh, nhưng về cơ bản, tôi đồng tình cao với những nội dung mà Đề án đã đề cập và nhận thức rằng: đổi mới cơ chế tài chính giáo dục là một đòi hỏi bức bách đối với ngành, nhất là đối với giáo dục nghề nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội trong điều kiện hội nhập Quốc tế hiện nay.

Trong 8 nội dung mà bản Đề án đề cập, thì 7 nội dung (trừ nội dung liên quan đến học phí) được trình bày trong văn bản khá tóm tắt, khái quát, chủ yếu là chủ trương, định hướng, vấn đề liên quan đến nhiều Bộ ngành và địa phương, theo tôi, cần phải được cụ thể hóa để thực hiện sau khi Đề án được Quốc hội thông qua. Trong phát biểu của mình, tôi muốn đề cập đến vấn đề học phí, điều mà dư luận xã hội quan tâm, yêu cầu cần được làm rõ hơn.

Thứ nhất, tôi nhất trí với sự cần thiết phải đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, như trong Đề án, nhất là phần trình bày về sự bất hợp lý về chế độ học phí hiện nay. Đối với các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng công lập, quy định về mức thu học phí 180 nghìn đồng/tháng/sinh viên đã 11 năm nay không thay đổi, trong điều kiện biến động lớn về giá cả, về tiền lương, thu nhập và các chế độ khác; miễn giảm học phí cho người học thuộc diện chính sách nhưng không được cấp bù, đã làm cho các cơ sở đào tạo ở những vùng khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tại Đại học Huế, theo số liệu năm 2008, ngân sách nhà nước cấp chiếm 40% trong tổng thu của Đại học, trong đó chi thường xuyên bình quân 3,7 triệu đồng tính trên một sinh viên chính quy (phù hợp với số liệu bình quân chung nêu trong Đề án). Tỷ lệ miễn học phí là 26%, (trong đó Trường Đại học Nông Lâm có tỷ lệ miễn học phí đến 30%), do đó thực thu học phí trên một sinh viên là 1,3 triệu đồng trên năm. Theo tính toán trên đây thì bình quân chi thường xuyên/ một sinh viên là 5 triệu đồng; trong số kinh phí này, gồm cả chi lương, chi giờ giảng cho giảng viên, chi thực tập thực tế của sinh viên, chi vật tư, hóa chất thí nghiệm. Nếu không tính các khoản chi lương, chi thường xuyên khác thì bình quân trên một sinh viên chính quy chỉ còn lại hơn 700.000 đồng/năm chi cho đào tạo. Trong điều kiện giá cả thị trường như hiện nay, với chi phí đào tạo như vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội là một việc làm rất khó khăn.

Thứ hai, Cơ chế phân bổ ngân sách cũng như quy định về mức thu học phí hiện nay mang tính bình quân, không có sự chênh lệch đáng kể giữa các nhóm ngành có đặc thù khác nhau, đã gián tiếp làm mất cân đối ngành nghề đào tạo trong phạm vi cả nước. Việc phân bổ ngân sách nhà nước như hiện nay, không có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành nghề có đặc thù khác nhau và ở mức thấp như trên tôi đã dẫn chứng. Cùng với mức học phí thu như nhau với mọi ngành đào tạo, trong khi các ngành kỹ thuật - công nghệ, nghệ thuật, y dược, nông lâm ngư chi phí đào tạo cao hơn nhiều so với các ngành khoa học xã hội nhân văn. Thực tế đó đã dẫn đến sự lựa chọn tự nhiên là các cơ sở đào tạo mở các ngành đào tạo có chi phí đào tạo thấp; hoặc do khó khăn về kinh phí mà cắt giảm nhiều chương trình thực tập thực tế của sinh viên, làm cho chất lượng đào tạo thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thứ ba, tôi rất đồng tình với ý kiến của một số cán bộ quản lý giáo dục đại học mà báo chí đã nêu. Trong khi mức học phí các trường công lập ở mức thấp, và không thay đổi trong cả chục năm thì các trường ngoài công lập có thể tự quyết định tăng học phí và ở mức cao. Điều này dẫn đến tình trạng các trường ngoài công lập thu hút giảng viên bằng cách trả tiền giờ giảng cao gấp 4 - 5 lần mức trả trong các trường công lập (như ở Đại Học Huế chúng tôi, mức trả cho một giờ vượt định mức bình quân chỉ là 23 nghìn đồng, rất thấp so với các đại học ngoài công lập hiện nay). Các trường đại học công lập rất khó khăn trong việc thu hút giảng viên giỏi và quản lý giờ làm việc của giảng viên.  Bộ Giáo dục- Đào tạo đã ban hành Quy định mới về quản lý thời gian làm việc và chế độ trả tiền vượt giờ cho giảng viên, nhưng nếu không có chế độ học phí mới, thì các trường công lập không thể thực hiện được các quy định mới này.

Thứ tư, Chủ trương thể hiện trong Nghị định 43/2006/CP của Chính phủ quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý tài chính, quản lý nhân sự tại các đơn vị sự nghiệp có thu, là khuyến khích các cơ sở đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài để cung cấp các chương trình chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Thực tế thì nhiều trường đại học công lập đã xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo liên kết này với chất lượng cao hơn các chương trình đào tạo bình thường và thu học phí cao hơn mức thu học phí đại trà. Các cơ quan kiểm toán khi kiểm toán giáo dục yêu cầu các trường không được tự định ra mức thu cao hơn mức quy định là 180 ngàn đồng một tháng, vì cho rằng cho đến nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định về vấn đề này. Rõ ràng sự thiếu đồng bộ và chậm thể chế các chủ trương trong giáo dục đã trở thành sự ràng buộc bất hợp lý cần được tháo gỡ.

Thứ năm, đối với giáo dục phổ thông và mầm non, Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đã phân tích và minh chứng khá chi tiết, đầy đủ về phương pháp xác định mức học phí khác nhau đối với các vùng dân cư có mức thu nhập bình quân khác nhau. Nếu tính toán tổng thể trong một địa phương thì tổng thu học phí theo phương án mới này không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn phương án thu hiện nay. Đối tượng khó khăn, chính sách không những được miễn học phí mà còn được hỗ trợ trong quá trình học tập. Về cơ bản, phương án mới khắc phục được những bất hợp lý đang nảy sinh và đảm bảo tính công bằng, chú ý đến khả năng chi trả của hộ gia đình, nhất là những gia đình khó khăn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, học sinh phổ thông và mầm non là đối tượng cần được sự đầu tư, chăm lo của xã hội nhiều nhất, nên đề cập đến thu học phí, nhất là học phí đối với mầm non là vấn đề nhạy cảm, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu vì mức chi ngân sách cho giáo dục đào tạo bị khống chế bởi 20% mà chia sẻ khó khăn với tất cả các cấp học, hệ đào tạo là điều chưa thật hợp lý. Theo tôi, cần giảm chi ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp, thay vào đó mở rộng diện cho vay để học tập và tăng học phí. Còn giảm tới mức thấp nhất học phí học sinh phổ thông hoặc miễn hẳn đóng góp đối với giáo dục mầm non là hợp lý hơn. Một vấn đề nữa là Đề án cần tính toán kỹ hơn khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho các khoản cấp bù học phí đối với sinh viên, học sinh thuộc diện chính sách và bù chênh lệch do tổng thu thấp hơn ở bậc phổ thông và mầm non khi thực hiện chế độ tài chính giáo dục mới.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cho rằng, trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước hiện nay, việc tăng mức đầu tư cho giáo dục hơn nữa là điều khó thực hiện trong thời gian tới. Do vậy cần có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm huy động tổng hợp nguồn lực của Nhà nước, của xã hội và người học cho giáo dục là điều hết sức cần thiết. Vì thực chất tạo cơ chế chính sách phù hợp là tạo động lực và nguồn lực để phát triển.

Tôi xin cám ơn Quốc hội.

 PGS. TS Nguyễn Văn Toàn

Liên kết
×