English | Français   rss
Liên kết
Trung tâm Công nghệ Thông tin Đại học Huế với chiến lược điện tử hóa đại học (e-university) (03-01-2007 13:52)
Góp ý
Trung tâm Công nghệ Thông tin Đại học Huế - HITEC (Hue University Information Technology Center) được thành lập vào năm 2004 theo quyết định số 636/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 31/12/2004 của Giám đốc Đại học Huế. Trung tâm là đơn vị trực tiếp thực hiện việc hiện đại hoá hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, tạo lập môi trường cho công tác nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và quản lý của Đại học Huế.


Nhân kỷ niệm 2 năm thành lập Trung tâm CNTT ĐHH, phóng viên Bản tin ĐHH đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm xung quanh vấn đề ứng dụng Công nghệ thông tin trong môi trường quản lý giáo dục và nghiên cứu, giảng dạy đại học.

PV: Sau 2 năm hoạt động, khối lượng công việc của Trung tâm CNTT ĐHH là rất đáng khích lệ. Vậy xin Ông có thể nói thêm về những sản phẩm và dịch vụ mà Trung tâm đã xây dựng trong thời gian qua đã được ứng dụng thành công trong Đại học Huế?

TS.Nguyễn Thanh Bình (TS.NTB): Tiền thân của Trung tâm CNTT là Tổ Ứng dụng CNTT thuộc Ban Quản lý Khoa học - Đối ngoại, Đại học Huế. Tuy là một thành viên mới được thành lập nhưng Trung tâm CNTT Đại học Huế đã sớm khẳng định được mình. Từ những ngày đầu chỉ có 5-7 người, đến nay, đội ngũ cán bộ chuyên viên của Trung tâm là 18 người, đa số là những cán bộ rất trẻ, năng động, ham mê tìm tòi, học hỏi. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển lực lượng, Trung tâm CNTT đã tạo mọi điều kiện để cán bộ lao động hợp đồng được học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ. Hiện nay, có 6 cán bộ đang theo học chương trình Thạc sĩ CNTT. Trung tâm không ngừng hoàn thiện cơ cấu, tạo môi trường làm việc năng động, ổn định để cán bộ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Về những sản phẩm đã được ứng dụng thành công tại Đại học Huế, phải kể đến bộ chương trình quản lý thông tin nội bộ và thông tin lãnh đạo. Tất cả các hoạt động thông báo, lên lịch công tác, kế hoạch công tác, báo cáo nhanh… đều được vận hành qua hệ thống này. Đến nay, hệ thống đã được mở rộng phạm vi đến các trường, khoa của Đại học Huế. Có thể nói, hệ thống tin học hóa công tác quản lý và đào tạo đang dần trở thành huyết mạch cho mọi hoạt động của Đại học Huế.

Trung tâm CNTT cũng đã xây dựng thành công phần mềm nền dạy học dựa trên nền tảng Moodle (mã nguồn mở), hỗ trợ việc dạy học trực tuyến bằng trình diễn nội dung ở dạng Multimedia, thông qua chương trình này có thể xây dựng qui trình tạo lập và quản lý giáo trình, bài giảng.

Trung tâm CNTT ĐHH cũng đã xây dựng thành công một số hệ thống quản lý tài nguyên, các sản phẩm thương mại điện tử và các sản phẩm mang tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, trong hai năm qua, Trung tâm CNTT ĐHH đã đào tạo tin học cho hàng trăm học viên là sinh viên của Đại học Huế.

PV: Mô hình e-university, trường đại học điện tử, là một mô hình mới phù hợp với bối cảnh chung của xã hội. Ông có thể giải thích thêm về mô hình này?

TS.NTB: Phải nói các dịch vụ thông tin là nền tảng cốt yếu trong mọi hoạt động của trường đại học. Qúa trình toàn cầu hóa và việc áp dụng công nghệ web đã thay đổi một cách rõ rệt các dịch vụ được chuyển giao. Môi trường đào tạo không là ngoại lệ.

Mục tiêu của mô hình e-university là mang lại những cơ hội học tập, nghiên cứu phù hợp, có chất lượng cao trong môi trường giáo dục liên kết và linh động trên nguyên tắc lấy người dùng làm trọng tâm; chia sẻ, cộng tác, đổi mới, bền vững.
E-university bao gồm các phân hệ: e-learning (dạy học trực tuyến, nâng cao khả năng người học và giáo viên, xây dựng nội dung có thể truy cập nhanh chóng và hiệu quả), e-science (quản lý nghiên cứu khoa học trực tuyến, đánh giá lợi ích và khả năng cộng tác), và e-management (quản lý điều hành trực tuyến, phối hợp cộng tác, báo cáo, thông tin…)

Đây là một mô hình mới cho giáo dục đại học, cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm học tập và dịch vụ hỗ trợ, cung cấp những nguồn tài nguyên giảng dạy, quản lý và nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu nâng cao khả năng cộng tác và chia sẻ dữ liệu. E-university là chiến lược hướng đến các mục tiêu cải thiện chất lượng của các cấp bậc giáo dục đại học và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khả năng truy cập đến các dịch vụ hỗ trợ sinh viên cũng như các dịch vụ khác của nhà trường.

PV: Vậy sắp tới, Trung tâm CNTT ĐHH có hướng gì để tư vấn cho ĐHH trong việc tiến tới mô hình ĐH điện tử không?

TS.NTB: Để xây dựng mô hình đó cần phải qua 3 giai đoạn:
GĐ 1: Xây dựng môi trường CNTT sâu rộng: xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, kết nối mạng toàn bộ các đơn vị trong ĐHH, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý, tạo ra động lực nhu cầu sử dụng CNTT, hỗ trợ việc hiện đại hóa nội dung chương trình và phương pháp dạy học.
GĐ 2: Phát triển ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đào tạo, điều hành và nghiên cứu khoa học.
GĐ 3: Nâng cao ứng dụng CNTT.

Hiện nay, Đại học Huế đang triển khai xây dựng hệ thống thông tin tại Đại học Huế hướng đến mô hình Đại học điện tử e-University với các nội dung sau:
- Xây dựng hệ thống thông tin Đại học Huế
- Xây dựng hạ tầng mạng và trung tâm dữ liệu
- Hệ thống thông tin lãnh đạo
- Hệ thống Đào tạo điện tử
Và trong tương lai sẽ triển khai theo các hướng tiếp cận được mở rộng:
- Xây dựng các hệ thống tích hợp và cổng thông tin
- Xây dựng các hệ thống hỗ trợ quyết định
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới

PV: Để thực hiện được mục tiêu đó, Ông thấy Đại học Huế đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

TS.NTB: Đại học Huế đang có những thuận lợi lớn là được trang bị các thiết bị của dự án mức C. Và yếu tố tiên quyết là sự quyết tâm của Ban Giám đốc.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn như: áp lực của nền kinh tế, áp lực cạnh tranh trong thời đại mới, áp lực của xã hội và việc nâng cao hiệu quả, nhu cầu của người sử dụng ngày càng tăng. Tuy nhiên, cán bộ chưa có thói quen làm việc, giảng dạy qua mạng, ngại sử dụng máy tính, vẫn còn nặng cách làm việc truyền thống. Ngoài ra, vấn đề bảo mật, bản quyền cũng đặt ra nhiều mối quan tâm, chi phí đường truyền đắt. ĐHH tuy được đầu tư hiện đại nhưng chỉ mới có 2000 kết nối, con số này là rất ít so với số lượng cán bộ và sinh viên. Các tài nguyên dùng chung chưa nhiều, chưa tạo sức hút, chưa liên thông giữa các đơn vị.

PV: Thực tế là hiện nay cán bộ, giáo viên, sinh viên vẫn chưa xây dựng được thói quen dạy học và làm việc qua mạng. Vậy Ông có thể có những ý kiến gì về điều này để cho việc xây dựng hệ thống có hiệu quả?

TS. NTB: Để chiến lược hướng đến mô hình điện tử hóa đại học được thành công, theo tôi, có một vài ý kiến sau:
- Cần sớm có những đề xuất về cơ chế sử dụng tài nguyên chung song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng, tăng dung lượng đường truyền, số lượng kết nối.
- Đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu, xây dựng tiềm năng về nghiên cứu khoa học, giảng dạy, quản lý
- Xây dựng các cơ sở dữ liệu bài giảng, giáo trình điện tử và các phần mềm mô phỏng
- Cần quy định rõ quy trình phối hợp công việc giữa các đơn vị, dùng chung tài nguyên, chia sẻ thông tin.

PV: Xin chân thành cám ơn Ông. Chúc Trung tâm Công nghệ thông tin - Đại học Huế không ngừng lớn mạnh và phát triển để góp phần nâng vị thế Đại học Huế lên một tầm cao mới.



Hồng Sam thực hiện

Liên kết
×