English | Français   rss
Liên kết
"Cần thiết giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ để tạo cơ hội hội nhập" (14-03-2008 10:51)
Góp ý
Thực hiện đề tài "Nghiên cứu khả năng giảng dạy chuyên môn bằng tiếng nước ngoài", ngày 13.3.2008, Đại học Huế đã tổ chức hội thảo trao đổi về kinh nghiệm của các trường đại học nước ngoài trong giảng dạy chuyên môn bằng tiếng nước ngoài. Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, GĐ ĐHH; PGS.TS Lê Mạnh Thạnh, PGĐ ĐHH; PGS.TS Trần Văn Phước, Hiệu trưởng Trường ĐHNN ĐHH.
<body>

Khách mời tham gia báo cáo có Ông Fukushima Yasumasa, tình nguyện viên lâu năm của JICA, Nhật Bản; GS. Michimi Maranushi, Khoa Luật - ĐH Gakushuin, Nhật Bản; Ông Kim Yong Ihl, giảng viên tiếng Hàn Quốc, Trường ĐHNN ĐHH, TS. Trương Viên, giảng viên Trường ĐHNN ĐHH.

Trong báo cáo tổng quan về quan điểm của các nhà giáo dục nước ngoài về giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ, PGS.TS Trần Văn Phước đã khẳng định: "Tiếng Anh là một sản phẩm của hệ thống kinh tế-văn hóa thế giới, là ngôn ngữ được cộng đồng quốc tế sử dụng trong thương mại, kinh doanh, khoa học, văn hóa và đời sống tri thức. Ngày nay, tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế vừa có những đặc điểm chung của tiếng Anh gốc nước Anh, vừa có những nét đặc thù riêng. Các nhà giáo dục ngoại ngữ đã thống nhất nên sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ truyền đạt nội dung chuyên môn và văn hóa thương mại, khoa học - kỹ thuật, tri thức." Người học học chuyên môn bằng tiếng Anh để giúp họ thâm nhập vào đời sống khoa học, kỹ thuật, chính trị xã hội của cộng đồng quốc tế. Ở một số nước Châu Á, tiếng Anh được xem là phương tiện ngôn ngữ phổ biến (ngôn ngữ thứ hai - second language và ngoại ngữ - foreign language) dùng để giảng dạy tại các trường đại học.  Đã có nhiều ý kiến khác nhau về những tác động, những mặt tích cực và không tích cực của việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ phương tiện để dạy học tại các trường đại học Châu Á.

Tại Hội thảo, các khách mời đã trình bày báo cáo thực trạng giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, giáo dục đại học và những bài học kinh nghiệm về giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Á.

Ở Việt Nam, trong xu thế hội nhập, việc giảng dạy bằng tiếng Anh là cần thiết và đang được quan tâm. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, vấn đề đặt ra là liệu sinh viên có tiếp thu được kiến thức không, khả năng diễn đạt những kiến thức tiếp thu được sang tiếng mẹ đẻ và giải quyết như thế nào đối với các sinh viên yếu.

Điều quan tâm mà các khách mời đã đưa ra là phải chú trọng nâng cao năng lực trình bày của người dạy và khả năng tiếp thu của người nghe, tư duy bằng tiếng Anh. Phải tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc sử dụng tiếng Anh để giảng dạy phải được áp dụng từ từ để sinh viên có thể thích nghi được.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn đã kết luận thống nhất các môn khoa học tự nhiên, kinh tế cần thiết giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ để tạo cơ hội hội nhập, các môn khoa học xã hội vẫn giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra phải có hệ thống tài liệu học tập phong phú bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để sinh viên tham khảo sau giờ học.

Hồng Sam

</body>
Liên kết
×