English | Français   rss
Liên kết
Cậu tân sinh viên khiếm thị nhìn thấy tương lai sáng (05-10-2006 09:53)
Góp ý
Mặc dù cũng còn một thời gian nữa mới đến ngày nhập học nhưng lúc này đã có thể nói được rằng Nguyễn Văn Duy là tân sinh viên khiếm thị đầu tiên của Đại học Huế "nhìn thấy" tương lai tươi sáng.

 

Ấp ủ những ước mơ từ trong bóng tối

Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp

người Khiếm thị TT-H

là nơi dìu dắt Nguyễn Văn Duy 12 năm liền

Tìm đến Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp người khiếm thị tỉnh TT-Huế, chúng tôi được biết Duy đã về quê. Có lẽ những ngày này, khi biết tin đỗ đại học, người mà em muốn chia sẻ nhất là ba mẹ. Tiếp chúng tôi ở phòng Lễ tân là Tố, em ruột của Duy.  Bốn anh chị em khiếm thị của Duy đã được Trung tâm cưu mang bảo bọc từ những ngày còn mò mẫm những bước đi đầu tiên. Không những được nuôi nấng, học văn hóa, cả bốn anh chị em của Duy còn được học nghề massage và đều có thể hành nghề một cách thành thục. Chị gái của Duy hiện vào sống ở Bình Dương cũng nhờ cái nghề học được từ đây. Dãy nhà bên kia đối diện chỗ chúng tôi ngồi là phòng tập đang rộn rã tiếng nói cười của những học viên khiếm thị đang được các thầy cô ở Trường Cao đẳng Y tế đến hướng dẫn thực tập. Một không khí chan hòa, vui vẻ, ấm áp tràn ngập cả Trung tâm. Đây cũng chính là nơi đã ấp ủ những ước mơ của Duy để rồi giờ đây ước mơ đã nảy mầm.

Mới đây thôi, Duy là học sinh lớp 12A5 trường THPT Hai Bà Trưng (Huế). Giấc mơ được học đại học có thể là quá lớn lao đối với những  bạn cùng trang lứa. Đối với Duy, một học sinh thiệt thòi hơn các bạn bình thường thì lại càng khó hơn. Trong 5 thí sinh khiếm thị dự thi vào Đại học Huế, chỉ có Duy đỗ vào ngành Công tác xã hội với số điểm khá cao, 18 điểm. Không những vậy, Duy còn đậu vào ngành Âm nhạc Cổ truyền của Trường Văn hóa Nghệ thuật Huế. Giờ đây, tin vui Duy đậu đại học đã tràn ngập Trung tâm và chắc hẳn cũng là sự hãnh diện của cô Quỳnh, cô Ly, những thầy cô, bạn bè đã từng giúp đỡ cho Duy trong việc học.

Vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn

Bố mẹ Duy rất hạnh phúc khi được tin Duy đỗ Đại học

Rời Trung tâm, chúng tôi tìm đến nhà Duy ở thôn Thủy Diện, một thôn nghèo ven đầm phá thuộc xã Phú An, Huyện Phú Vang. Ở đây, Duy đang thết đãi bạn bè món bánh đơn sơ đạm bạc mà mẹ Duy làm. Ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng nói cười của các bạn từ Trung tâm về chia vui với Duy và gia đình.

Gia đình Duy có 5 anh chị em nhưng không may có đến 4 người khiếm thị, chỉ có cậu kế út là sáng mắt. Nhìn những gương mặt khôi ngô của anh em Duy, ít ai có thể nhận ra các em không thấy được ánh sáng. Cái nghề đánh bắt tôm cá và nuôi trồng thủy sản cũng có khi được mùa nhưng cũng bù vào những lúc thất thu do thời tiết. Thế nhưng bố mẹ Duy cũng có thể chèo lái gia đình và dù có khó khăn đến mấy cũng lo cho con ăn học, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

Hỏi em về "bí quyết" học tập, Duy e ấp: "Dạ có chi mô, em chỉ biết nắm vững các kiến thức thầy cô giảng ở lớp, cố gắng đọc sách, tham khảo tài liệu chứ em không có điều kiện để học thêm mô". Duy tâm sự: "Hiện chưa có sách nhiều dành cho người khiếm thị. Tụi em đọc sách được là nhờ các bạn và thầy cô. Ở trường thì có các bạn, ở Trung tâm có cô giáo đọc sách, những điều hay thì em cố gắng ghi chép hoặc nhớ trong đầu. Ngoài ra em cũng có mua sách nói (băng cassette)", nghe chương trình ti vi."

Thành tích suốt 12 năm học được Duy

và gia đình trân trọng

Nghe Duy nói, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhịp sống cứ trôi đi gấp gáp, nhiều khi thói quen đọc sách cũng mất đi. Thay vào đó là bao nhiêu luồng thông tin. Nhưng đối với các em khiếm thị, đọc sách và nghe băng là cách tốt nhất giúp em tiếp cận tri thức.

Đợt thi đại học này, Duy và các bạn thí sinh khiếm thị đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Đại học Huế trong việc tổ chức một phòng thi đặc biệt với một quy trình tuyển sinh rất hoàn chỉnh dành cho các em. Các giám khảo chấm bài thi qua băng cassette của em đã khen rằng giọng nói cứ như của phát thanh viên, câu cú rõ ràng, khúc chiết. Thi đã khó, học lại càng khó hơn. Nhưng nói về Duy, nhiều thầy cô trong Đại học Huế đã hoàn toàn tin tưởng vào nghị lực lớn của em.

Còn đó những trăn trở

Nhìn những gương mặt khôi ngô của anh em Duy,

ít ai biết được các em không nhìn thấy ánh sáng.

Khi được hỏi rằng Duy đã chuẩn bị gì để lên đường đi học xa nhà chưa, Duy bày tỏ: "Dạ về mặt tinh thần thì đã sẵn sàng". Nhưng đằng sau ánh mắt em, tôi vẫn thấy nặng trĩu những nỗi lo. Mẹ Duy rưng rưng nước mắt: "Ở đây, lâu lâu tui còn lên thăm, bới cho thứ ni thứ khác. Ra ngoài nớ chắc khó mà đi thăm hắn được. Chắc tui nhớ lắm".

Rồi những nơi em tới, những người em gặp không phải là thân quen, nhưng Duy đã quyết tâm theo đuổi con đường mà em mơ ước đó là được học ngành Công tác xã hội để sau này trở về Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp người khiếm thị tỉnh TT-Huế công tác, nơi có những công việc mà em yêu thích như tuyên truyền nhận thức của xã hội đối với người khiếm thị và chăm sóc sức khỏe cho người khiếm thị.

<form id="Default" name="Default" action="http://www.edu.net.vn/Default.aspx?tabindex=0&tabid=2&mid=44&tid=147&iid=726" method="post"> </form>

HS - NT

Liên kết
×