English | Français   rss
Liên kết
Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao với những nét đặc sắc riêng, xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia (19-07-2020 04:31)
Góp ý

Chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc Đại học Huế, lãnh đạo các trường đại học thành viên, phân hiệu, khoa, đơn vị trực thuộc. Cùng đoàn có lãnh đạo Văn phòng, các vụ, cục liên quan. Buổi làm việc nhằm rà soát lại các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian qua và bàn các giải pháp để phát triển Đại học Huế trở thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đoàn công tác làm việc tại Đại học Huế

 

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh sau 11 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đại học Huế thành ĐH Quốc gia, Kết luận số 38 của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/2/2018, Đại học Huế đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực công tác: cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, quy mô và chất lượng đào tạo thích ứng thị trường lao động, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. 

 

Ngày 10/12/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã khẳng định: “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”. Ngày 27/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, trong đó Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc phát triển Đại học Huế trở thành ĐHQG của Việt Nam, xếp trong tốp 300 châu Á, thời gian thực hiện 2020 - 2022.

 

Để thực hiện Nghị quyết, Đại học Huế đã đặt ra mục tiêu và định hướng để trở thành Đại học Quốc gia: Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển theo hướng quản trị hệ thống đại học, thành đại học quốc gia theo định hướng nghiên cứu: Xây dựng Mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia có ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế; Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia; Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia và hạt nhân Trung tâm KHCN (Nghị quyết 54); đến năm 2025 Đại học Huế xếp ở tốp 3 các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, trong tốp 300 châu Á và 1.000 Thế giới. Cụ thể: tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, điều hành hiệu lực và hiệu quả theo hướng quản trị đại học, định hướng tự chủ, phấn đấu đến năm 2025 có 50% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ ; cơ chế và tiềm lực tài chính năm 2021 như hai ĐHQG; tăng 15% nguồn thu hàng năm; tăng các ngành có nhu cầu xã hội, duy trì chất lượng và khởi nghiệp có ấn tượng; đến năm 2025, có 100% các cơ sở giáo dục đại học thành viên kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo chu kỳ hai; 70% chương trình đào tạo được tự đánh giá, 50% chương trình đào tạo đại học được công nhận kiểm định chất lượng cấp quốc gia, 05 - 10 chương trình tham gia kiểm định chất lượng giáo dục của mạng lưới đại học Đông Nam Á (AUN-QA) hoặc trung tâm kiểm định quốc tế khác; 40% chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định quốc gia và quốc tế; sinh viên có việc làm và có khả năng khởi nghiệp tốt sau khi ra trường; kết quả nghiên cứu xuất bản tốt và có sản phẩm ứng dụng cao ít nhất 5 nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia và 50 nhóm cấp Đại học Huế. Năm 2022 thành lập Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển KHCN Đại học Huế (HU-Holdings); hoàn thành cơ sở hạ tầng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình Trường - Viện Y Dược Huế, triển khai Khu Công nghệ Sinh học Quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, giải phóng mặt bằng 20 ha. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành phần hạ tầng và đầu tư hoàn chỉnh Khu đô thị Đại học Huế cho các Trường Đại học: Kinh tế, Luật, Ngoại ngữ và Du lịch.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực rất lớn của Đại học Huế, rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Bộ GD&ĐT, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đại học Huế đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sớm ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sớm ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Ban xây dựng Đề án phát triển Đại học Huế trở thành ĐHQG của Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ sau khi có Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế thông tin về những điểm nổi bật trong đổi mới chương trình đào tạo của Trường, đặc biệt là hợp tác với Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ; định hướng phát triển một số ngành đào tạo đạt chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế; mô hình Trường - Viện tiên tiến với Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế là bệnh viện hạng I với 22 năm xây dựng và phát triển; mong muốn lãnh đạo Bộ quan tâm đến vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo khoa học sức khỏe. 

 

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học đề xuất cần có những chính sách cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản tuyển sinh rất khó

 

Môt số kiến nghị Đại học Huế cần sự tháo gỡ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo như:  hỗ trợ và có các chính sách cụ thể về cơ chế đặc thù cho Trường Đại học Nghệ thuật phù hợp với điều kiện hiện nay; cho phép thành lập Trường Du dịch thuộc Đại học Huế trên cơ sở Khoa Du lịch – Đại học Huế; có chính sách đầu tư phát triển bền vững và mũi nhọn có tính dẫn dắt và tiên phong cho một số ngành khoa học cơ bản mà Đại học Huế có thế mạnh như Vật lý, Hóa học, Khoa học XH và NV,... Đầu tư kinh phí cho đào tạo các nhóm ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu xã hội và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng và quốc gia, thích ứng cuộc CM KHKT 4.0: Nhóm ngành Y - Dược, Công nghệ thông tin, Du lịch, Nông nghiệp công nghệ cao, Kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), Kinh doanh quốc tế, Quản trị và phân tích dữ liệu. Có chính sách phát triển các ngành đào tạo theo chương trình song ngữ và chương trình chất lượng cao, phát triển Khoa Quốc tế - ĐHH thành trung tâm đào tạo lớn ở khu vực miền Trung.

 

Về phát triển cơ sở vật chất, Đại học Huế đề nghị Bộ có cơ chế hỗ trợ giải quyết dự án đền bù giải phóng mặt bằng của Đại học Huế, đặc biệt là quan tâm làm việc với các Bộ, Ngành và Chính phủ hỗ trợ Đại học Huế tìm nguồn vay ODA 100 triệu USD nhằm xây dựng và phát triển Đại học Huế theo Thông báo số 38/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Đại học Huế. Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước về khoa học công nghệ để Viện Công nghệ sinh học có nguồn vốn nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị và đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng và phát triển Viện Công nghệ sinh học theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018.

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá Đại học Huế với truyền thống, bề dày lịch sử và tên tuổi trong khu vực và quốc tế, đang có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển trên vùng đất Thừa Thiên Huế đầy đủ “thiên thời, địa lợi”, là động lực thúc đẩy tỉnh nhà nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung.  Đặc biệt Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, Kết luận số 38 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là những cơ sở để Đại học Huế xây dựng và phát triển, trở thành ĐH Quốc gia.  

 

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn vào những thách thức để có sự phân tích, đánh giá cụ thể, giải pháp chiến lược, đúng hướng và quyết liệt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại học Huế xây dựng đề cương đề án phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045,  trong đó xác định rõ mô hình phát triển Đại học Huế là mô hình hai cấp, phát triển theo định hướng nghiên cứu; phân cấp phân quyền để tạo được tính tự chủ cho các đơn vị thành viên mà vẫn đảm bảo được mô hình quản lý của Đại học Huế; rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo, quy hoạch các nhóm ngành, ngành nghề gắn với phát triển kinh tế, mở rộng liên kết đào tạo quốc tế, lựa chọn các ngành kiểm định quốc tế; khoa học công nghệ gắn với đào tạo, đổi mới sáng tạo.

 

PV

Các tin mới hơn
Liên kết
×