English | Français   rss
Liên kết
Tổng kết khóa đầu tiên đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Tiếp tục là lựa chọn tất yếu. (10-10-2012 09:49)
Góp ý

Đã có nhiều ý kiến về ưu điểm và hạn chế được đưa ra tại Hội nghị tổng kết khóa đầu tiên đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Đại học Huế sáng 10/10/2012. Tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi tiếp tục hay dừng lại việc áp dụng phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng, nguyên Phó Giám đốc Đại học Huế đã trả lời ngay việc lựa chọn phương thức này là xu hướng tất yếu của đào tạo hiện nay. Điều này cũng được thể hiện trong kết luận của PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế và sự đồng thuận của gần 150 cán bộ lãnh đạo đến từ các trường, khoa trực thuộc Đại học Huế tham dự hội nghị. Vấn đề còn lại là tiếp tục như thế nào ?

 

Chấp nhận cả ưu điểm và hạn chế

 

Đại học Huế triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ cho sinh viên năm thứ nhất từ năm học 2008 – 2009 tại tất cả trường đại học và khoa trực thuộc Đại học Huế, bao gồm : Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Nông lâm, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Khoa Du lịch, Khoa Luật và 2 ngành đào tạo của Trường ĐH Y Dược. Riêng Trường ĐH Ngoại ngữ, trong năm học 2008 – 2009 bắt đầu đào tạo tín chỉ cho tất cả các khóa của trường. Trường ĐH Nghệ thuật, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và Khoa Giáo dục Thể chất do đặc thù của ngành nghề nên chưa triển khai được.

 

Ngay từ những bước đầu chuẩn bị, chủ trương này đã được sự đồng thuận cao từ các cấp lãnh đạo Đại học Huế đến các trường, khoa thành viên. Đa phần cán bộ, giảng viên, sinh viên đã có sự chuyển biến trong nhận thức về những ưu điểm của đào tạo theo hệ thống tín chỉ và tính tất yếu trong việc áp dụng học chế tín chỉ.

 

Đến nay, sau 4 năm, đã có 27.245 sinh viên được đào tạo và 5.636 sinh viên đã tốt nghiệp theo phương thức đào tạo này. Có thể nói đây là bước khởi đầu thành công của Đại học Huế.

 

Tuy nhiên việc chuyển đổi hình thức từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ còn quá mới mẻ nên không tránh khỏi những hạn chế.

 

Trong báo cáo của Ban Đào tạo Đại học – Đại học Huế, những mặt hạn chế đó vẫn còn tồn tại trong nhận thức của một bộ phận cán bộ giảng viên, chưa có sự đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức cho phù hợp với thời lượng lên lớp. Đội ngũ cố vấn học tập còn thiếu kinh nghiệm. Thêm vào đó, năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên vẫn còn hạn chế.

 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu dạy học, phần mềm quản lý đào tạo, tính liên thông giữa các trường và khoa trong Đại học Huế là những yếu tố quan trọng mà đại biểu đang quan tâm.

 

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

 

Tiếp tục và tiếp tục như thế nào là câu hỏi mà các đại biểu tham dự hội nghị đang cùng tìm câu trả lời. Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng, cần chấp nhận để có thời gian chuyển đổi, không nên nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy những điểm không hợp lý sẽ có những điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với đặc thù riêng của Đại học Huế.

 

Kết luận hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ và sinh viên Đại học Huế trong 4 năm thực hiện bước đầu việc chuyển đổi phương thức đào tạo để có được những thành công cả về nhận thức lẫn kinh nghiệm tích lũy được cũng như những kết quả tác nghiệp cụ thể.  PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn khẳng định sự quyết tâm, kiên trì của toàn Đại học Huế để tiếp tục phương thức đào tạo tiên tiến này và để hoàn thiện một phương thức đào tạo mới cần có thời gian, vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm.

 

Đại học Huế sẽ tổ chức những hội nghị chuyên đề, những bàn thảo cho riêng từng vấn đề như về cố vấn học tập; về xây dựng và vận hành phần mềm quản lý đào tạo; về biên soạn và xuất bản chương trình đào tạo; thành lập hội đồng khoa học liên ngành, liên trường; xây dựng cơ chế liên thông công nhận tín chỉ của các trường…

 

Tất cả quyết định ở vai trò lãnh đạo các cấp từ khoa, trường, cấp Đại học Huế với mục tiêu trên hết là nâng cao chất lượng đào tạo.

 

 

PV

Liên kết
×