English | Français   rss
Liên kết
ACIIDS 2010 và triển vọng hợp tác giữa Đại học Huế với ĐH Công nghệ Wroclaw - Ba lan (12-04-2010 08:29)
Góp ý
Vừa qua, từ ngày 24 - 26/3/2010, tại Đại học Huế đã diễn ra Hội nghị tin học quốc tế ACIIDS lần 2 - "Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh". ACIIDS do GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Khoa Hệ thống Quản lý tri thức, Viện Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Công nghệ Wroclaw - Ba Lan sáng lập và điều hành. ACIIDS lần đầu tiên được tổ chức rất thành công tại Trường Đại học Quảng Bình vào năm 2009. Bên lề Hội nghị, Bản tin ĐHH đã có cuộc trò chuyện ngắn với GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Ban Chương trình Hội nghị.
PV: Xin Giáo sư có thể đánh giá về những kết quả đạt được của Hội nghị lần này?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành: Đã có 140 người từ các quốc gia đến dự hội nghị trong tổng số 150 người đăng ký, đạt trên 90. Đây quả là một chỉ số mà nhiều hội nghị quốc tế mơ ước, có nhiều hội nghị chỉ có 40 - 50% số lượng đại biểu đăng ký đến tham dự.

Trình độ khoa học của hội nghị được dư luận các nhà khoa học đánh giá rất tốt. Đặc biệt là có rất nhiều vị giáo sư từ các nước trên thế giới có mặt tại Hội nghị như Israel, New Zealand, Ba Lan, Áo, Đức, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản... Giáo sư A Min Tjoa – Giám đốc Viện Công nghệ Phần mềm và các hệ thống tương tác - Đại học Công nghệ Vienna - Áo đã đánh giá rất cao về trình độ khoa học của các báo cáo. Ông có nhận xét rằng lần đầu tiên ông thấy một hội nghị có trình độ khoa học cao như vậy.

Kỷ yếu được nhà xuất bản Springer - Đức nhận đăng là một thành công lớn của Hội nghị, trong đó các tác giả có bài được đăng là một vinh dự lớn, đặc biệt là các tác giả Việt Nam. Đại học Huế có hai bài được chọn của nhóm tác giả TS. Hoàng Hữu Hạnh, PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Trần Thị Phương Chi và của TS. Võ Viết Minh Nhật. Việc hội nghị tổ chức tại Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam ít có điều kiện ra nước ngoài dự hội nghị.

PV: Những kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội nghị có thể ứng dụng vào thực tiễn như thế nào, đặc biệt là trong môi trường Đại học Huế?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành: Vâng, những điều trình bày tại hội nghị sẽ mang lại cho các cán bộ, nhà nghiên cứu về tin học nhiều hướng nghiên cứu mới, công nghệ mới. Chẳng hạn như các bài giảng về Semantic Web là một vấn đề rất thiết thực đối với người dùng Web. Nền công nghệ thông tin Việt Nam theo tôi thì không thua gì Ấn Độ, một cường quốc về công nghệ thông tin, mà hướng tạo ra các công nghệ mới chính là những hội nghị khoa học như thế này. Sau hội nghị, tôi tin là các nhà nghiên cứu sẽ có cách nhìn nhận mới trong nghiên cứu khoa học, trong việc tạo ra được công nghệ mới.

Lực lượng công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Đại học Huế rất hùng hậu với rất nhiều tiến sĩ. Đại học Huế đang lập hội đồng để đăng ký đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học máy tính mà tôi cũng có tham gia vào hội đồng này. Tôi tin những kết quả của hội nghị sẽ góp phần vào việc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ đạt kết quả tốt hơn.

PV: Mối quan hệ của ACIIDS 2010 và sự hợp tác giữa Đại học Huế với Trường ĐH Công nghệ Wroclaw Ba lan như thế nào thưa GS?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành: Trong chuyến tham dự Hội nghị lần này, đoàn công tác Viện Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ Wroclaw đã sang ký hiệp ước mở đầu cho sự hợp tác với Khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học - Đại học Huế. Hy vọng việc ký kết sẽ mở ra các hướng hợp tác mới. Như tôi đã trình bày tại buổi ký kết thì có 3 hướng hợp tác: phía Ba Lan sẽ đào tạo nguồn nhân lực trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ cho Đại học Huế thông qua nguồn học bổng Erasmus Mundus hay học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam. Thứ hai là giữa Viện Hàn lâm Khoa học Ba lan và Viện hàn lâm khoa học Việt Nam đã có hiệp ước, cho nên giữa hai trường và hai Khoa có thể hợp tác trong khuôn khổ hiệp ước này. Thứ ba là, hai bên sẽ cùng nhau tổ chức các sự kiện khoa học quốc tế hay những sự kiện khác mà Hội nghị ACIIDS này là một sự mở đầu.

PV: Giáo sư có nghĩ đến việc ACIIDS sẽ quay lại Đại học Huế một cách thường xuyên hơn không ạ?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành: Tôi đang nghĩ đến điều đó, có thể cứ mỗi 3-4 năm sẽ quay lại Huế. Bởi những ngày ở đây, tôi đã được nghe nhiều người nhận xét thành phố Huế thật xinh đẹp, người Huế cũng rất dễ thương. Trong hội nghị lần này có sự hiện diện của Bà Jarug Nouacka, nguyên là Phó Thủ tướng Ba Lan cách đây 4 năm, hiện tại là đại biểu thượng nghị viện Ba Lan. Bà đã nói rằng Bà đến Việt Nam cách đây 12 năm và lần này thấy Việt Nam phát triển rất nhanh chóng.

Tôi cũng muốn nói thêm lời cám ơn Đại học Huế, đặc biệt là PGS.TS Lê Mạnh Thạnh và TS. Hoàng Hữu Hạnh. Đây là một hội nghị khoa học lớn và công tác tổ chức rất trôi chảy, điều đó chứng tỏ tính chuyên nghiệp và sự năng động của Đại học Huế rất cao. 

PV: Hy vọng sự thành công của Hội nghị sẽ là tiền đề cho các bước hợp tác tiếp theo. Xin chân thành cảm ơn Giáo sư.

Kỷ yếu của Hội nghị

Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học trưng bày tại Hội nghị đã được trao tặng Đại học Huế. Đây là nguồn tài liệu quý cho cán bộ và sinh viên Đại học Huế.

PGS.TS Nguyễn Phúc Khanh, Vụ Phó Vụ Khoa học Công Nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo : Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt trong phát triển công nghệ thông tin, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. ACIIDS 2010 là cơ hội tốt cho Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, học tập, tiếp thu từ các nước trên thế giới, đồng thời để bạn bè trên thế giới chứng kiến những thành quả ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam.

GS. TS. Jerzy Swiatek, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – Trường ĐH Công nghệ Wroclaw, Ba Lan : Trong khoa học không có ranh giới quốc gia và hội nghị ACIIDS 2010 là điều kiện để hai quốc gia Ba Lan và Việt Nam xích lại gần nhau hơn.

GS. TS. Halina Kwasnicka, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – Trường ĐH Công nghệ Wroclaw, Ba Lan: Hội nghị là cơ hội để tôi có thời gian trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam… Đối với tôi điều đó là rất quan trọng. Các báo cáo của các tác giả đến từ các nước được trình bày tại hội nghị rất tốt. Đối với sự hợp tác giữa ĐHH và ĐH Wroclaw, tôi hy vọng từ đây chúng ta có thể hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong đào tạo sinh viên mà còn phát triển được các ý tưởng để hình thành các dự án nghiên cứu. Đây chính là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, trao đổi các khả năng hợp tác đó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Con người và thành phố của bạn rất đẹp và dễ mến. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh và tôi sẽ giới thiệu với bạn bè của tôi ở Ba Lan. Tôi hy vọng sẽ trở lại đây trong tương lai rất gần.

GS. TS. A Min Tjoa, Viện trưởng Viện CNPM và Các hệ thống tương tác – Đại học Công nghệ Vienna - Áo:

Hội nghị ACIIDS thật tuyệt vời từ nội dung chuyên môn cho đến công tác tổ chức. Tôi đã tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, tuy nhiên, ACIIDS-2010 thật sự rất ấn tượng với tôi. Các bạn đã tổ chức rất chuyên nghiệp và chu toàn. Về chuyên môn, các báo cáo tại hội nghị có chất lượng cao, tôi đã có cơ hội gặp và trao đổi các ý tưởng trong nghiên cứu với các đồng nghiệp đến từ các nước. Điều đó thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn đã tạo ra một diễn đàn quốc tế rất hoàn hảo ngay trong lần tổ chức đầu tiên!

 

Ông Shahrul Azman Noal – Đại học Kahang Saan Malaysia - Malaysia: ACIIDS là cơ hội để tôi trình bày báo cáo, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp đến từ Đông Nam Á và gặp gỡ những vị giáo sư từ châu Âu như Giáo sư A Min Tjoa. Tôi cảm thấy rất gần gũi khi ở đây bởi Việt Nam và Malaysia có nền văn hóa tương đồng. Con người các bạn rất hiếu khách và lịch sự. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội trở lại đây tham dự các hội nghị tiếp theo.

 

Ông Zhongwei Zhang – Đại học Southern Queensland - Australia: Hội nghị được tổ chức chu đáo, các báo cáo khoa học rất tốt. Con người Huế rất thân thiện.

 

Ông Zhigniew Tarapata – Đại học Kỹ thuật Quân đội - Warsawa - Ba Lan: Mục đích tham dự hội nghị của tôi là gặp gỡ những người có cùng mối quan tâm khoa học như tôi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu và thực tế là tôi đã làm được điều đó. Hội nghị được tổ chức rất tốt, mọi thông tin đến với tôi thật rõ ràng.

 

TS. Nguyễn Công Hào, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ Đại học Huế: Phiên dành cho nghiên cứu sinh có 12 bài được đăng vào Tạp chí Khoa học có chất lượng tương đối tốt, tập trung các hướng dịch vụ web, semantic web, các kỹ thuật web, CSDL, đây là những vấn đề nghiên cứu rất thực tiễn hiện nay.

 

TS. Hoàng Hữu Hạnh, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Đại học Huế: Hội nghị ACIIDS-2010 đã thành công trong dự kiến về công tác tổ chức và ngoài dự kiến về tỷ lệ người tham dự - 96%. Tại hội nghị, đã có 3 giáo sư đến từ Áo, Ba Lan và Đài Loan giảng bài (keynotes) về các hướng phát triển mới trong nghiên cứu về khoa học máy tính và CNTT. 94 bài báo báo cáo tại hội nghị được chọn từ hơn 400 bài gửi được chia vào 21 tiểu ban diễn ra liên tục trong 3 ngày từ 24-26/3, ngoài ra còn có 2 phiên poster với tổng cộng 36 bài. Chất lượng của các bài báo tại hội nghị được hội đồng chuyên môn đánh giá rất cao. Đó là một điều thành công của hội nghị. ACIIDS-2010 thực sự là một diễn đàn CNTT tầm quốc tế diễn ra tại Đại học Huế và Huế. Bên cạnh đó, Phiên NCS-CH cũng được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có cơ hội trình bày và tiếp cận các kiến thức mới từ các cộng đồng nghiên cứu.

Song song với các hoạt động chuyên môn, các hoạt động bên lề hội nghị đã được diễn ra như các cuộc gặp giữa lãnh đạo Đại học Huế với Giáo sư A Min Tjoa từ ĐH Công nghệ Vienna, Áo bàn về việc đẩy mạnh các hợp tác song phương trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; với Giáo sư Cho từ ĐH Ulsan, Hàn quốc cho việc thiết lập mới quan hệ giữa hai đại học; với phái đoàn ĐH Công nghệ Wroclaw cho các hướng hợp tác trong tương lai về đào tạo, NCKH và trao đổi cán bộ; với GS. Leon Wang và GS. Tzung-Pei Hong của ĐH Quốc gia Kaohsiung, Đài Loan về các thoả thuận trong tương lai về NCKH và trao đổi cán bộ; GS. Lê Thị Hoài An của ĐH Metz – Pháp về hợp tác chuyên môn trong đào tạo Tiến sĩ.

 Ái Hữu thực hiện

Liên kết
×