English | Français   rss
Liên kết
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Đại học Huế (13-11-2023 19:27)
Góp ý

Chiều 13/11, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Đại học Huế về công tác đào tạo báo chí và truyền thông.

 

Cùng dự có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các vụ, cục thuộc Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Đại học Huế cùng các trường, đơn vị thành viên.

 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và làm việc tại Đại học Huế

 

 

PGS. TS Lê Anh Phương, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế báo cáo tại buổi làm việc  

 

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn, PGS. TS Lê Anh Phương, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế cho biết, công tác đào tạo báo chí và truyền thông tại Đại học Huế hiện nay có 2 đơn vị đào tạo là Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Khoa Quốc tế - Đại học Huế. Khoa báo chí-Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hiện là trung tâm đào tạo báo chí khu vực miền Trung Tây Nguyên.  Năm 1993, được xem là dấu mốc đầu tiên đặt nền móng cho đào tạo báo chí tại ngôi trường này khi chuyên đề “Khái quát về truyền thông báo chí” được đưa vào dạy cho sinh viên Ngữ Văn, khóa 14 (1991-1994).

 

Năm 1996, Khoa Ngữ Văn đã thành lập tổ Lý luận Văn học và Báo chí để thực hiện đề án đào tạo ngành báo chí. Một năm sau, chuyên ban báo chí được xây dựng và đào tạo cho khóa đầu tiên, khóa 18 (1994-1998). Sau 5 năm đào tạo báo chí bằng hình thức chuyên ban, năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức cho phép Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đào tạo ngành báo chí, khóa đầu tiên K27 (2003-2007).

 

Trải qua gần 30 năm đào tạo báo chí từ khi mới chỉ là một bộ môn trong Khoa Ngữ Văn đến nay, Khoa Báo chí - Truyền thông cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khoa Báo chí - Truyền thông đã đào tạo hàng ngàn sinh viên, học viên thuộc nhiều hệ khác nhau, từ đào tạo chính quy tập trung đến các lớp đại học vừa làm vừa học, liên thông, từ đại học bằng 2 đến các lớp ngắn hạn nghiệp vụ báo chí, bồi dưỡng chuyên môn. Khoa đã trở thành một trong ba cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông uy tín của cả nước.

 

Trong quá trình phát triển, mục tiêu đào tạo báo chí tại Khoa Báo chí - Truyền thông được xác định là đào tạo cho người học có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và tự nhiên, có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thuần thục về báo chí và truyền thông, có khả năng nghiên cứu, quản lý, điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện sản xuất các sản phẩm báo chí và truyền thông, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và có trách nhiệm với cộng đồng. Đào tạo báo chí trong môi trường của Trường Đại học Khoa học luôn gắn với nhu cầu xã hội, nhưng cũng thể hiện được những cốt cách riêng gắn với học hiệu của ngôi trường có bề dày truyền thống. Ưu tiên đào tạo nhà báo theo hướng phát triển tư duy phản biện, có khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội, thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ. Cái gốc của đào tạo báo chí tại Trường Đại học Khoa học là đào tạo người làm báo vừa chuyên nghiệp, hiện đại, thích ứng với thời cuộc vừa có phông nền kiến thức toàn diện về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có tính nhân văn và có trách nhiệm cộng đồng. Nội dung chương trình đào tạo tại Trường Đại học Khoa học được xây dựng hiện đại, với hệ thống kiến thức sâu sắc, kỹ năng thành thục và thái độ chuẩn mực, tận tâm, trách nhiệm. Khối kiến thức giáo dục cơ bản được xác định là các học phần thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn cơ bản như Xã hội học, Tâm lý học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Chính trị học, Mỹ học, Nhân học…  Ngoài những kiến thức nền, những kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ cũng được xác định là nhiệm vụ đào tạo quan trọng. Đó là khối kiến thức chuyên ngành về báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử, các quy trình sản xuất sản phẩm báo chí, công tác tòa soạn, biên tập, những kỹ năng như phỏng vấn, điều tra, khai thác và xây dựng nguồn tin, quay phim, nhiếp ảnh, thiết kế thông tin đồ họa…

 

Nhiệm vụ của báo chí trong thời đại mới có nhiều thay đổi, gắn với đặc thù văn hóa, chính trị xã hội của đất nước. Từ một nền báo chí chí làm nhiệm vụ tuyên truyền, đến nay báo chí Việt Nam đã trở thành một nền báo chí năng động, thực hiện đa chức năng, vừa làm chính trị bằng nghiệp vụ, hướng dẫn dư luận, vừa làm kinh tế, là cầu nối gắn với doanh nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng. Vì thế, đào tạo trong môi trường của Trường Đại học Khoa học không chỉ chú trọng đào tạo nghề, những kỹ năng sản xuất, tạo dựng sản phẩm chuyên nghiệp mà còn gắn với rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức văn hóa xã hội, khả năng làm kinh tế dịch vụ. 

 

Khoa Báo chí-Truyền thông hiện đào tạo: cử nhân chính qui, văn bằng 2, Liên thông, Vừa làm vừa học và Nghiệp vụ báo chí. Mỗi năm khoa đào tạo gần  200 sinh viên chính qui và 400 sinh viên, học viên các hệ khác tại nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ và hiện đại. Khoa hiện có 1 studio phát thanh-truyền hình, 1 phòng thực hành báo in và báo điện tử, hàng chục camera, máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, thiết bị dựng, biên tập h nh ảnh âm thanh, thu phát để sản xuất các sản phẩm báo chí, 1 phòng tư liệu khoa. Khoa Báo chí – Truyền thông xây dựng 2 bộ môn gồm bộ môn Báo chí và bộ môn Truyền thông. Đội ngũ cán bộ viên chức hiện tại của khoa bao gồm 11 CBVC cơ hữu, 15  GV thỉnh giảng, trong đó 100% số giảng viên là nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông đã được đào tạo Sau đại học. Khoa hiện có 01PGS, 02TS, 6ThS, 01GVCC, 02GVC và 6GV. Từ 2010 đến nay, Khoa đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả cho các cơquan báo chí khu vực miền Trung và cả nước. Số lượng sinh viên của Khoa có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm luôn đạt tỷ lệ hơn 90%. Nhiều sinh viên của khoa ra trường hoạt động trong các cơ quan báo đài được đánh giá rất cao và đạt nhiều giải báo chí quốc gia và giải báo chí của các ngành, các cấp. Nhiều cựu sinh viên của Khoa đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

 

Báo cáo của Giám đốc Đại học Huế kiến nghị Ban tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa các cơ sở đào tạo báo chí vào thành đơn vị tiếp nhận thông tin trực tiếp, nhận thông tin thường xuyên các văn bản pháp qui về báo chí truyền thông, phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo để tạo mối liên kết, liên hệ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh nhằm vận hành tốt nhiệm vụ đào tạo đi đôi với quản lý và lĩnh hội về công tác tư tưởng. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận chứng chỉ về nghiệp vụ báo chí, quản lý báo chí, truyền thông… của các đơn vị đào tạo báo chí chính quy, thường xuyên hỗ trợ với Khoa Báo chí và Truyền thông đào tạo nghiệp vụ, chứng chỉ khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

 

 

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, góp ý của các thành viên trong Đoàn công tác tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những kết quả đã đạt được của Đại học Huế thời gian qua, nhất là về chương trình đào tạo báo chí và truyền thông. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Huế trong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông. Đại học Huế luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo và bám sát nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu của công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại học Huế cần rà soát lại công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu thực tiễn, đổi mới giáo dục; lấy chất lượng đào tạo làm đầu; tăng cường thực tập từ thực tiễn; xây dựng báo chí đa phương tiện, truyền thông hiện đại; chú trọng đến đạo đức nghề báo; phát triển báo chí trên mạng xã hội; tăng cường hợp tác; chú trọng đào tạo chất lượng cao.

 

 

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại học Huế cần tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là việc ý thức, nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sứ mệnh của đào tạo khoa học, xã hội nhân văn nói chung. Trong đó, có đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí truyền thông của khu vực miền trung, Tây nguyên và cả nước. Tiến đến xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu để đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng, với tinh thần “tâm sáng, lòng son, bút sắc”. Đại học Huế tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong giáo dục đào tạo; phát huy vai trò đội ngũ trí thức; xây dựng một số trung tâm chuyên sâu, đại học thông minh, tạo sự đột phá về giáo dục có thế mạnh; coi trọng giáo dục văn hóa, gia đình, con người Huế; phát triển hạ tầng giáo dục; đào tạo đội ngũ báo chí truyền thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nỗ lực cố gắng xây dựng Đại học Huế sớm trở thành Đại học Quốc gia.

 

 

Các tin đã đăng
Liên kết
×