English | Français   rss
Liên kết
"Cuộc thi nhỏ, ý nghĩa lớn" (03-10-2013 09:21)
Góp ý

Đề tài cuộc thi lại không nhằm vào những nội dung “hot” mà lại chọn nội dung mà các chàng trai cô gái bây giờ “lơ đãng” nhất: lịch sử các con đường xứ Huế. Hồn vía lịch sử của nó có đọng lại chút dấu vết nào trong trái tim trai trẻ, kể cả khi họ cầm tay người yêu xao xuyến trên con đường đó bao tháng ngày…?

 

Ban tổ chức đã chọn một… tảng đá để húc đầu vào: 70-80% thí sinh không ít nơi bị điểm 1 và điểm 0 môn lịch sử, thì nói gì đến chuyện tự tin mà tham gia thi với thố. Nhưng họ vẫn chọn! Một đất nước sẽ ra sao khi phần lớn tuổi trẻ không biết lịch sử nơi mình sinh ra, lịch sử con đường mà mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm, thậm chí cả đời mình qua về, không biết lịch sử của cha ông? Và chua xót thay, không có mảy may xúc cảm nào chia sẻ cùng nó… Cho nên tôi rất cảm kích và cảm ơn sự “liều mạng” của Ban tổ chức. Họ biết sẽ không có nhiều người tham gia, biết sẽ không có “nhà văn hóa” có cỡ nào lưu tâm đến cuộc thi nhỏ bé khó có tiếng vang này và dĩ nhiên không có nhà tài trợ “tiền hô hậu ủng”. Họ đã phải kiếm từng trăm ngàn để lo cho giải thưởng… Họ âm thầm, lặng lẽ làm cái việc nhỏ bé nhưng ý nghĩa thật cảm động, thật lớn lao. Và tấm lòng cùng sự miệt mài của họ cũng ít nhiều được đền đáp.

 

Tôi ước chi tất cả những ai đã tham gia cuộc thi này đều được tuyên dương. Nhưng, cuộc thi nào cũng có những quy định của riêng nó, nên ước mong đó cũng chỉ là sự bày tỏ sự cảm ơn của chúng tôi với những ai đã tham gia cuộc thi. Điều đáng nói nữa, là không chỉ sinh viên hoặc cựu sinh viên của Đại học Huế tham gia mà có cả những những người sắp hoặc đã quá tuổi “cổ lai hy” như bác sĩ Nguyễn Cương, nguyên Phó Chủ tịch thành phố Huế và thầy giáo Trần Hoàng, nguyên Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm Huế. Ngay ở một số bài không được xếp giải cũng có những chi tiết, nội dung tinh tế, sâu đậm. Trần Thị Thùy Dung phát hiện hoa bằng lăng Huế tím nhạt, nhẹ nhàng, khác với bằng lăng quê mình tím sẫm như sắp chuyển qua màu đen. “…Màu tím hoa bằng lăng ở Huế làm tôi thấy thanh thản và bình yên trong lòng dù tôi đang một thân một mình…” (Ấn tượng đầu tiên về Huế). Hay con đường Kim Long để lại trong tim Nguyễn Thị Thịnh một kỷ niệm buồn thật da diết tuổi thơ khi tác giả chứng kiến người bạn mình đau đớn vì người mẹ bỏ nó đi lấy chồng. “Nó bỏ tôi rồi vụt chạy theo chiếc xe nhưng không kịp, xe đã đi xa rồi, và… nó cứ chạy, chạy mãi cho đến khi nó ngã nằm chòng queo trên đường. Nó khóc rất nhiều, nước mắt nước mũi dem dúa, máu từ chân, từ tay nó rỉ ra. Những hòn sạn tưởng như vô hại ấy lại cứa vào da thịt nó những vết đau như vậy. Ở trên con đường đó, tôi đã đứng nhìn nó khóc và đau khổ” (Kim Long - con đường của tuổi thơ tôi).

 

Về mặt lịch sử, gần như tất cả tác giả các bài viết vào vòng chung khảo đều có ý thức và có không ít tác giả đã công phu tìm hiểu, tra cứu lịch sử hình thành và phát triển của các con đường. Tuy nhiên, cũng không hẳn không có những khiếm khuyết, thiếu hụt trong một số bài, kể cả bài được giải. Như bài Đường về nhà nội, đơn giản mà thấm thía, nhưng tiếc rằng, trên đường về Vỹ Dạ mà hai cha con chở nhau đi có rất nhiều dấu ấn của các nhà văn hóa lớn của đất nước mà tác giả “không thấy”.

 

Điều mà không nhiều tác giả làm được nhắc đến lịch sử trong xúc cảm của kỷ niệm, của đời người. Ở các bài được giải cao có sự hòa quyện tự nhiên giữa hai nội dung này. Mà ở họ có một đặc điểm: họ nói, họ bắt đầu từ những chuyện nhỏ, từ những con đường nhỏ, không “hoành tráng”, thậm chí chỉ là cái hẻm nhỏ hẹp, nhưng sâu đậm tình người. “Cái rộng lớn làm tôi lạc lõng, cái hối hả lại khiến tôi cô đơn. Bất chợt, một buổi chiều, lang thang vào một hẻm nhỏ…”. Vâng, tôi muốn nói đến Bình yên… hẻm nhỏ của Võ Thị Mỹ Hương.

 

Đây là một bài viết cảm động. Chỉ từ những gì rất bình dị, đời thường ở một hẻm nhỏ bên hồ Tịnh Tâm: câu hỏi thăm thân tình của chú sửa xe, cái vẫy tay hồ hởi của o bán hàng rong buổi chiều, nụ cười của bác thợ mộc, của mệ bán rau hay của dì bác sĩ… “Và rồi, giữa cái xô bồ, nhộn nhịp đó, tôi lại mải miết đi tìm một cảm giác bình yên. Cái rộng lớn làm tôi lạc lõng, cái hối hả lại khiến tôi cô đơn. Bất chợt một buổi chiều, lang thang vào một hẻm nhỏ khác. Cố tìm xem liệu có phải con hẻm nào cũng như hẻm nào không. Và mọi cảm xúc như vỡ òa ra trước hẻm. Tôi nhớ đến hẻm của tôi đến thắt lòng. Chỉ hẻm của tôi mới có hàng cây đó, mới có tiếng rao đó, mới có hương thơm, mới có những con người đó. Phải về thôi, về với hẻm, bởi tôi biết rằng, hẻm vẫn mãi ở đó đợi tôi…”

 

Cũng từ những chi tiết “nhỏ nhặt” chẳng có gì cao xa, thậm chí rất “đau khổ”, cô tân sinh viên Lại Thị Linh từ xứ Thanh đã “va” vào Huế ngay những phút đầu tiên rất “ấn tượng” như thế này: “Ai bảo Huế Đẹp, Huế Thơ chứ ngày đầu tiên vào Huế tôi chán Huế vô cùng. Bác xe ôm già đưa tôi từ ga tàu về trong trạng thái lâng lâng sau một ngày say ngắc ngư. Cho đến lúc dừng lại tôi mới kịp nhận ra bác già tốt bụng đã giao tôi cho một… cánh cổng. Cánh cổng cũ kỹ ấy mang tên “Khu nội trú sinh viên” ở đường Đội Cung… Những ngày đầu tiên ở Ký túc xá với tôi thật khủng khiếp. Mười cô gái sống trong căn phòng chừng mười mét vuông, với năm cái giường chồng, đó là chưa kể mười cái rương, mười cái bếp dầu và cơ man nào là những đồ linh tinh khác. Đối với tôi, giọng nói của chín cô bạn lại như là… ngoại ngữ. Tôi không hiểu những “mô, nớ, nỏ chộ, hề, hỉ…” là cái chi chi…”

 

Rồi được cha cho biết Đội Cung là người anh hùng chống Pháp đồng hương xứ Thanh. Rồi “những đêm trèo cổng ký túc xá đi ăn bánh ram đầu đường, băng qua cầu Trường Tiền ăn mì bánh lọc, rẽ về Trần Cao Vân chọc ghẹo mấy chú công an… mặt lạnh. Nhớ cả những buổi xách từng đôi dép rách ra đường Đội Cung vá (với chú vá dép hay cười). Và không thể quên được đứng ở cây cột điện cách cổng Ký túc xá chừng năm bước chân để chờ người yêu sau mỗi buổi học. Để rồi thả bộ khắp nơi, trở về phòng khi đã khuya (gọi là khuya ở Huế nhưng cũng chỉ chín mười giờ đêm là cùng) và nghêu ngao bịa lời hát đường phố ơi, hãy im lặng cho đôi bạn trẻ đưa nhau về…”

 

Và cô sinh viên xứ Thanh yêu Huế, yêu đến da diết và… làm dâu xứ Huế.

 

Tình yêu đâu phải cứ từ những gì to tát và “hoành tráng”. Tình yêu đối với Tổ quốc cũng vậy, nó bắt đầu từ những gì thân thương, gần gũi, như Ylia Ểrenbua nói, từ cây bạch dương trước nhà, từ con đường đổ ra dòng sông Nê-va… Cũng như Hạnh Phúc vậy. “…hạnh phúc không chỉ (tôi thay chữ phải) là khi bạn ngồi trên một chiếc ô tô sáng bóng lướt vun vút trên những xa lộ rộng lớn, băng qua những phố xá xa hoa… Hạnh phúc đơn giản chỉ là đi những bước chân thật chậm, thật khẽ lên con hẻm nhỏ của mình, lắng nghe tiếng mưa rơi tý tách, xòe tay đón nắng xuyên qua bàn tay và mỉm cười thật rạng rỡ với những con người quen thuộc”. Tôi mượn một câu trong Bình yên… hẻm nhỏ để kết thúc bài viết ngắn này.

 

Huế, ngày 23/8/2013

Tô Nhuận Vỹ[1]



[1] Nhà văn, Chánh Chủ khảo Cuộc thi viết “Đường thành Huế tôi qua” (2012-2013)

 

 

Xem tuyển tập 20 bài viết xuất sắc của cuộc thi: 

http://www.lrc-hueuni.edu.vn/thanhhue2013/ 

Liên kết
×