English | Français   rss
Liên kết
Đào tạo theo cơ chế đặc thù: Cơ hội việc làm cao hơn (25-03-2019 16:07)
Góp ý

 

Mùa tuyển sinh năm 2019, các cơ sở giáo dục thuộc Đại học (ĐH) Huế mở thêm các ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù trong hai nhóm ngành được Chính phủ cho phép là du lịch và công nghệ thông tin. 

 

 

 

Trong chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù, sinh viên du lịch sẽ được nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm

 

 

Chương trình theo hướng mở

 

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, nếu trong năm 2018 ĐH Huế lần đầu tuyển sinh 2 ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cùng ngành quản trị khách sạn, thì mùa tuyển sinh năm 2019, sẽ mở thêm 2 ngành mới là du lịch (Khoa Du lịch) và kỹ thuật phần mềm (Trường ĐH Khoa học).

 

Tổng chỉ tiêu của 4 ngành theo cơ chế đặc thù khoảng 580 thí sinh, trong đó ngành kỹ thuật phần mềm tuyển 150 chỉ tiêu, 3 ngành của Khoa Du lịch là 430 chi tiêu, riêng ngành du lịch do mới mở nên chỉ tuyển 80 sinh viên.

 

So với chương trình đào tạo truyền thống, chương trình đào tạo của các ngành trên điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông, bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Điển hình như các ngành ở Khoa Du lịch, học phần cốt lõi cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo; học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch…

 

Thời gian đào tạo cũng được phân bổ lại, rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Chương trình học sẽ tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, có ít nhất 40% thời gian đào tạo với doanh nghiệp và gắn với doanh nghiệp.

 

Trong mô hình đào tạo theo cơ chế đặc thù cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác; chịu trách nhiệm kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập. Mô hình này cũng khuyến khích các cơ sở đào tạo công nhận tín chỉ lẫn nhau, phối hợp xây dựng nguồn học liệu dùng chung đặc biệt là nguồn học liệu điện tử.

 

Theo đại diện Khoa Du lịch – ĐH Huế, điểm hay trong yêu cầu đối với cơ sở đào tạo theo cơ chế đặc thù là có thể nghiên cứu việc công nhận một số học phần mà người học tích lũy được từ các khóa đào tạo cấp chứng chỉ về nghiệp vụ du lịch tương đương với một số môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo ĐH thông qua quy trình đánh giá và công nhận tín chỉ của các cơ sở đào tạo. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở đào tạo linh hoạt mở ngành đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

 

Cơ hội việc làm cao hơn

 

Hai năm nay, thí sinh có mong muốn lựa chọn ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù nhưng không hiểu rõ những đòi hỏi của những ngành này. Tâm lý chung lo lắng “đặc thù” thì đầu vào phải thực sự giỏi, ngoại ngữ tốt hay học phí cao nên phân vân khi lựa chọn.

 

Theo đại diện ĐH Huế, học phí và đầu vào tuyển sinh của chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù không khác so với chương trình đào tạo truyền thống. Song, cơ hội việc làm sẽ cao hơn nếu sinh viên đáp ứng tốt những yêu cầu của chương trình học, thậm chí được doanh nghiệp “để ý” ngay khi còn ngồi ghế giảng đường, bởi sinh viên có đến 50% cơ hội thời gian học với doanh nghiệp. “Doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy, đánh giá và tạo điều kiện thực tập nghiệp vụ nhiều hơn, mục đích để sinh viên có tay nghề ngay khi học. Hiện, Chính phủ cho phép đào tạo hai nhóm ngành theo cơ chế đặc thù là du lịch và công nghệ thông tin để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nhu cầu tuyển dụng, nhất là nhân lực trẻ cũng rất lớn”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương khẳng định.

 

Theo các cơ sở đào tạo thuộc ĐH Huế, khi xây dựng chương trình theo cơ chế đặc thù, các học phần về thực tập nghiệp vụ được tăng lên, nhiều ngành thay vì phải đến năm thứ 3 sinh viên mới đi thực tập như cơ chế đào tạo truyền thống thì sẽ triển khai cho sinh viên thực tập, thực tế ngay từ năm thứ nhất, tùy theo nội dung của các học phần và yêu cầu chuẩn đầu ra mà mức độ yêu cầu đi thực tế, thực tập được áp dụng phù hợp. Do đó, sinh viên được rèn sớm và kỹ trong môi trường doanh nghiệp không chỉ về nghiệp vụ mà còn các kỹ năng khác, đồng thời, nắm rõ tình hình công việc, các mặt khác để đưa quyết định nộp hồ sơ “đầu quân”.

 

Hiện, các đơn vị đào tạo theo cơ chế đặc thù đều liên kết với hàng chục doanh nghiệp. Ngoài các liên kết về đào tạo, doanh nghiệp cũng cam kết tuyển dụng nhân sự đủ điều kiện. Với những sinh viên giỏi, cơ hội để họ được lựa chọn môi trường làm việc sẽ không ít.

 Hữu Phúc

Các tin mới hơn
Liên kết
×