English | Français   rss
Liên kết
PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, PGĐ ĐHH trả lời phỏng vấn sau chuyến thăm và xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc (26-07-2007 11:10)
Góp ý
Từ ngày 05/7/2007 đến ngày 12/7/2007, PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, PGĐ ĐHH cùng đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Xuân Lý - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc theo lời mời của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Daegu và tỉnh Kyungpuc và Tập đoàn KYUNGSIN ENG&MFD;.CO., LTD. Phóng viên Trang tin điện tử Đại học Huế đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Mạnh Thạnh xung quanh những kết quả của chuyến làm việc này.
<body>

PV: Xin PGS có thể cho ý kiến đánh giá về tình hình quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam và Hàn Quốc nói chung và giữa Đại học Huế với các trường Đại học ở Hàn Quốc nói riêng trong thời gian vừa qua?

PGS.TS.Lê Mạnh Thạnh (PGS.TS.LMT): Đây là lần thứ 2 tôi đi Hàn Quốc. Lần đầu vào năm 2002, tôi đi theo đoàn của Bộ Khoa học Công Nghệ và Môi trường Việt Nam với mục đích khảo sát một số hoạt động khoa học công nghệ của Hàn quốc. Bên cạnh làm việc chủ yếu với Viện Chiến lược Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (STEPI) và một số viện nghiên cứu khác tôi cũng đã tranh thủ thăm một số trường đại học. Ở đây tôi đã gặp một số nghiên cứu sinh và sinh viên VN sang nghiên cứu và học tập. Điều đó chứng tỏ là việc hợp tác nghiên cứu giữa các trường, các viện nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc đã có từ lâu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi được biết rằng số nghiên cứu sinh và sinh viên được cử đi theo diện trao đổi hợp tác chưa được nhiều, giữa các trường và các viện của hai nước chưa có những chương trình hợp tác lớn, dự án lớn. Đại học Huế chúng ta chưa có một chương trình hợp tác cụ thể nào với các tổ chức nghiên cứu và đào tạo của Hàn Quốc. Gần đây, ngày 25/4/2007 Trường Đại học Chung woon (một đại học tư thục của Hàn Quốc) đã sang thăm và mong muốn có hợp tác cụ thể.

Hàn Quốc là một trong những nước ở châu Á có nền kinh tế phát triển, khoa học, công nghệ tiên tiến lại là một nước không xa chúng ta về địa lý và có nền văn hoá tương đồng vì vậy chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc hợp tác với các trường của Hàn Quốc. Mặt khác, Hàn Quốc là một trong những nước đứng đầu về đầu tư ở Việt Nam. Sắp tới Hàn Quốc sẽ có những bước đầu tư mạnh về kinh tế. Liên quan đến việc đầu tư về kinh tế là vấn đề hợp tác đào tạo. Đây là một điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước nói chung và các trường Đại học nói riêng.

PV: Được biết, trong chuyến đi này, Đại học Huế đã ký kết hợp tác với Đại học UIDUK, Vậy, xin Thầy giới thiệu một đôi nét về trường UIDUK và cho biết cụ thể hơn về kết quả của việc ký kết này. Về vấn đề giảng dạy Tiếng Hàn ở Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, đã có hướng hợp tác gì trong lĩnh vực này chưa?

PGS.TS.LMT: Trong chuyến đi này, được ủy quyền của Giám đốc ĐHH tôi đã làm việc và ký kết thoả thuận chung với 2 trường đại học của Hàn Quốc: UIDUK và Kyungnam Information Technology (KIT).

Trường UIDUK là một trường công lập đóng ở thành phố Gyeongju, một thành phố di sản thế giới, cách Seoul gần 300 km về phía nam.

Đây là một trong những trường có tiếng của Hàn quốc, đào tạo đa ngành, trong đó mạnh nhất là các ngành kỹ thuật, công nghệ như Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật Thông tin và Truyền thông, Kỹ thuật Bán dẫn, Kỹ thuật điện và Năng lượng. Sinh viên các ngành này được đào tạo ra chủ yếu là phục vụ cho khu công nghiệp Pohang.

Hiệu trưởng UIDUK đã rất quan tâm và thể hiện sự cần thiết phải có một khoa tiếng Việt ở trường UIDUK để đào tạo tiếng Việt cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, về phía Đại học Huế tôi cũng đã nêu lên nhu cầu thành lập khoa tiếng Hàn để đào tạo Tiếng Hàn cho người Việt sử dụng tiếng Hàn, đặc biệt là cho các doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Sau khi trao đổi Hiệu trưởng trường Đại học UIDUK hứa sẽ cùng hợp tác với Đại học Huế để mở 2 khoa đào tạo tiếng Việt và Hàn ở đại học Huế và trường đại học UIDUK.

PV: Hàn Quốc nổi tiếng về khoa học công nghệ cũng như những lĩnh vực khác như du lịch, truyền hình, nghệ thuật… Đại học Huế đã khai thác được các lĩnh vực này?

PGS.TS.LMT: Sau khi ký hợp tác với trường Đại học UIDUK ở Gyeongju tôi đã đến làm việc với trường Đại học Thông tin và Công nghệ Kyungnam (KIT) ở thành phố Busan. Thế mạnh của trường này là công nghệ, kết hợp tốt việc giảng dạy với thực hành và tham gia sản xuất. KIT mạnh về công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ tự động hoá. Nhờ tổ chức đào tạo đa cấp nên KIT đã thu hút được sự chú ý của xã hội và trở thành một trong những trường có qui mô lớn nhất Hàn Quốc.

PV: Và những kết quả khác về giáo dục đã đạt được trong chuyến thăm này? Đại học Huế đã thoả thuận với Đại học UIDUK cũng như những đại học khác và Hiệp hội doanh nghiệp ở Hàn Quốc những biện pháp gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên?

PGS.TS.LMT: Trong chuyến đi này, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm đến Đại học Huế chúng ta. Nhiều doanh nghiệp đã hứa sẽ hỗ trợ tạo điều kiện đi lại, hỗ trợ kinh phí trao đổi cán bộ và sinh viên…Trong năm 2008 sẽ có một số suất học bổng cho sinh viên Đại học Huế sang học tập tại Hàn Quốc, trước hết là 2 ngành Tiếng Hàn và Công nghệ thông tin. Số lượng và ngành nghề sẽ được tăng lên cho những năm sau. Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho những hợp tác lâu dài.

PV: Những cảm nhận cá nhân của Thầy về đất nước, con người và văn hóa Hàn Quốc? Triển vọng về mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Huế và các Đại học và Hiệp hội doanh nghiệp ở Hàn Quốc trong thời gian tới?

PGS.TS.LMT: Hàn Quốc đã quá quen thuộc với người Việt Nam qua phim ảnh và phương tiện thông tin đại chúng. Hàn Quốc là đất nước có ít tài nguyên nhưng đã đi lên từ trí tuệ. Từ những năm 1960 khó khăn đến nay, đất nước Hàn Quốc đã phát triển, hạ tầng giao thông, khu nhà ở cho dân rất hiện đại… Đặc biệt, môi trường được chú trọng, đi đến đâu cũng thấy cây xanh phủ khắp, ngay cả trong một nhà máy luyện thép cũng giống như công viên. Văn hoá Hàn Quốc rất gần gũi với Việt Nam, con người dễ thông cảm, tốt bụng, nhiệt tình. Đó là những nền tảng cho sự hợp tác bền vững.

PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy.

Ái Hữu thực hiện
 

</body>
Liên kết
×