English | Français   rss
Liên kết
Ứng dụng công nghệ sinh học để khai thác và phát triển một số giống cây trồng vật nuôi ở khu vực miền Trung Tây Nguyên (21-04-2023 15:33)
Góp ý

 

Sáng 20/4, tại Đại học Huế diễn ra khai mạc Hội thảo khoa học trong khuôn khổ Chương trình KH&CN cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ sinh học để khai thác và phát triển một số giống cây trồng vật nuôi ở khu vực miền Trung Tây Nguyên” do GS. TS. Nguyễn Hoàng Lộc, Trường Đại học Khoa học làm chủ nhiệm.

 

 

Nhóm nghiên cứu đề tài "Chọn tạo giống lạc có khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh và hàm lượng dầu cao để phát triển sản xuất lạc ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên"

 

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong sáu nước đứng đầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 4 năm gần đây. Biến đổi khí hậu trên trái đất ngày càng diễn biến phức tạp và đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Những tổn thất kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu cộng với các chi phí khắc phục thiệt hại làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Một trong những giải pháp được cho là có hiệu quả nhất hiện nay để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu là bảo vệ rừng, phát triển các các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ở những khu vực khác nhau trong cả nước.

 

Miền Trung - Tây Nguyên có thể coi là khu vực có thời tiết khắc nghiệt nhất của Việt Nam và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng khô hạn kéo dài. Ở khu vực này, nhiều diện tích đất trồng đang bị thiếu nước canh tác trầm trọng, thậm chí một số khu vực còn đang dần bị hoang mạc hóa. Do vậy, việc bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện khô hạn là một yêu cầu cấp thiết của miền Trung - Tây Nguyên hiện nay. Căn cứ vào mục đích lựa chọn cây trồng, vật nuôi và một số mô hình đã được triển khai với quy mô nhỏ ở một số tỉnh trong khu vực, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một chương trình nghiên cứu nhằm tuyển chọn, phát triển các giống vật nuôi, cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương thông qua đề xuất Chương trình “Ứng dụng công nghệ sinh học để khai thác và phát triển một số giống cây trồng vật nuôi ở khu vực miền Trung Tây Nguyên”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện từ năm 2021. Đến nay, các đề tài của chương trình cơ bản đã hoàn thành 4 nội dung: Nghiên cứu nguồn gốc của giống cừu Phan Rang, tối ưu điều kiện chăn nuôi và phòng bệnh, để phát triển sản xuất cừu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Chọn tạo giống lạc có khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh và hàm lượng dầu cao để phát triển sản xuất lạc ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên;  Bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen cây thiên niên kiện ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên; Quản lý và điều hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ sinh học để khai thác và phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên”

 

 

 

Các kết quả của chương trình gồm: 05 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục SCI-E (Web of Science) thuộc nhóm Q1, Q2; 03 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục SCI-E (Web of Science) thuộc nhóm Q3, Q4; 02 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus; 07 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước; 05 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ theo hướng nghiên cứu của Chương trình; hỗ trợ 03 nghiên cứu sinh báo cáo thành công 1 chuyên đề theo hướng nghiên cứu của Chương trình và nhiều sản phẩm ứng dụng là các bảng tiêu chuẩn ăn cho cừu Phan Rang, Quy trình chọn lọc cừu giống, chẩn đoán bệnh tụ huyết trùng…

 

Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp với các phương pháp truyền thống để phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu; khẳng định năng lực của đội ngũ các nhà khoa học Đại học Huế, sẵn sàng cho việc xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế phát triển thành trung tâm quốc gia về công nghệ sinh học của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Liên kết
×