English | Français   rss
Liên kết
 Kỷ niệm 82 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2007): Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí (20-06-2007 17:36)
Góp ý
Lúc sinh thời, trong một lần nói chuyện với các học viên của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tại thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã tâm sự về quá trình học nghề làm báo của mình tại Pháp. Bác kể: "Hồi ở thủ đô Paris, mình muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ? Nhất định phải học cho kỳ được. Có một số đồng chí làm tờ báo "Đời sống công nhân" ở Pháp bảo :" Có tài liệu gì anh viết tôi đăng cho... Anh cứ viết 3 dòng, 5 dòng cũng được. Biết thế nào thì viết thế ấy, nếu viết sai mẹo mực thì tôi chữa cho".
<body>

Thế là từ đấy trở đi, mình học viết báo, lúc đầu chỉ viết 3,4 dòng. Lúc viết rồi, mình chép ra hai miếng, một miếng gởi cho tòa báo, một miếng mình giữ lại, để đem so lại sai lạc thế nào? Sau đó ít lâu đồng chí ấy nói: "Anh viết được 3 dòng rồi, bây giờ kéo dài ra". Mình cố gắng kéo dài cho đến lúc viết được mười dòng, đồng chí ấy lại nói: "Anh kéo dài nữa cho đến khi tài liệu thành một bài báo nhỏ". Thế là mình cứ kéo, đồng chí ấy cứ sửa, cứ khuyến khích mình. Cách giáo dục như thế thật tốt. Cứ kéo dài đến khi viết hết một cột và hơn một cột, rồi một cột rưỡi. Thế rồi đồng chí ấy lại nói:"A, bây giờ anh viết được rồi, anh nên làm cách khác. Rút ngắn lại. Thật là rầy rà! Trước thì bắt kéo dài, bây giờ lại rút ngắn". Nhưng mà đồng chí ấy nói: "Anh kéo dài ra được, thì bây giờ anh rút ngắn cũng được. Từ một cột rưỡi, nay chỉ viết một cột thôi. Viết cho thật chặt, xem đi xem lại những cái gì lôi thôi, dài dòng, không cần thiết thì phải bỏ nó đi...". Thế rồi mình phải đếm từng chữ, một cột có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi đếm từng chữ mà viết cũng khó chứ không phải dễ. Kết quả là rút được. Cách ít lâu, đồng chí ấy lại nói:" Bây giờ rút lại nữa đi". Mình cứ phải rút, lần này qua lần khác, cho đến lúc chỉ còn mười dòng. Đồng chí ấy lại nói : "Được rồi đấy. Viết dài được. Viết ngắn được. Bây giờ có vấn đề gì muốn viết thì viết ngắn, viết dài tùy anh". Và đồng chí ấy thường nhắc mình: "Khi viết câu cú phải rõ ràng, mạch lạc, chớ có dùng ẩu". (Hồ Chí Minh- Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận - NXB Văn học, Hà Nội, 1981, tr.315).

Nhờ quyết tâm kiên trì học tập và rèn luyện, tập dượt ngòi bút của mình từ viết những mẩu tin nhỏ, đến viết những bài báo có chủ đề theo yêu cầu của tòa soạn, ở Paris ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc đã từng bước trưởng thành và sử dụng thành thạo các kỹ năng báo chí, trở thành một nhà báo được công luận chú ý, một cộng tác viên có uy tín của các tờ báo cách mạng và tiến bộ ở Pháp từ những năm 20 của thế kỷ XX.

Ngày 18 tháng 6 năm 1919, báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Pháp đã đăng bản "Yêu sách của nhân dân Việt Nam"  gồm 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc gửi hội nghị Véc-xai đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và độc lập của nhân dân ta. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc còn là người tổ chức sáng lập, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo "Le Paria" ( Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp của các dân tộc thuộc địa, xuất bản ở thủ đô Paris từ 1922-1924. Ngày 21-6-1925, tuần báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Trung ương Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc tổ chức sáng lập ra mắt số đầu tiên tại Quảng Châu - Trung Quốc, viết bằng tiếng Việt, ra hàng tuần, in ro-nê-ô trên giấy bản.

Báo Thanh niên giữ một vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Là diễn đàn của những người Việt Nam yêu nước, thiết tha với sự nghiệp giải phóng dân tộc, báo Thanh niên đã vạch ra con đường cứu nước chân chính của nhân dân ta do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chọn lựa để đưa dân tộc ta thoát khỏi gông cùm nô lệ của thực dân Pháp.

Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta tưởng nhớ Nguyễn Ái Quốc -  Hồ Chí Minh, người thầy lỗi lạc đã khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chúng ta ôn lại và học tập những lời dạy thâm thúy của Bác về kinh nghiệm viết báo. Bác dạy chúng ta muốn viết báo hay phải có tài liệu phong phú. Muốn tìm tài liệu phải:

1.         Nghe: lắng nghe cán bộ, chiến sĩ đồng bào để lấy tài liệu mà viết.

2.         Hỏi: hỏi những người đi xa về; hỏi nhân dân, bộ đội, cán bộ về tình hình và sự việc các nơi.

3.         Thấy: tự mình phải đi đến xem xét để thấy rõ vấn đề.

4.         Xem: xem báo chí trong nước và nước ngoài, xem sách vở.

5.         Ghi: những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi, đã đọc được thì ghi chép đầy đủ để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu cho bài viết thôi. Tìm tài liệu cũng như các công tác khác, phải chịu khó.   

Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, tờ báo khác có vấn đề khác rồi góp hai, ba vấn đề, bốn, năm con số làm thành một tài liệu để viết. Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng.( Trích bài nói chuyện của Bác tại lớp chỉnh huấn Đảng TW, ngày 17-8-1952).

 Về quan điểm viết báo, Bác dạy : "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng thay đổi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động." ( Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội, 1996, tr.616).

Về nhiệm vụ của nhà báo, Bác chỉ rõ : "Nhiệm vụ của người làm báo là rất quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, giữ vững lập trường...; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công." ( Sđd, tập 9, tr. 415).

Song điều quan trọng hơn cả trong việc học tập kinh nghiệm viết báo, làm báo của Bác Hồ là chúng ta phải thấm nhuần lời dạy của Bác về phương pháp luận làm báo cách mạng:

"Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi bắt đầu viết một bài báo, phải tự đặt câu hỏi: -Viết cho ai xem? - Viết để làm gì? - Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, cho bài mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta..." ( Trích bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ III  Hội nhà báo Việt Nam, 8-9-1962).

Trong nhiều lần nói chuyện với các  hội nghị báo chí, Bác thường thiết tha căn dặn các nhà báo: "Viết là để nêu cái hay, cái đẹp, cái tốt của nhân dân ta, bộ đội ta, cán bộ ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta... Không nên viết cái tốt giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế vậy." (HCM,Sđd,tr.118).

Nhận định về phong cách báo chí của Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Viết và nói là một bộ phận trong hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Người đã sử dụng ngôn ngữ như một vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, như công cụ giao tiếp giữa con người với con người để chỉ ra lẽ phải, tuyên truyền và tổ chức nhân dân, soi sáng ý nghĩ và cảm hóa tấm lòng của người đọc, người nghe. Cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh là sự lựa chọn thích hợp để trả lời bốn câu hỏi cơ bản do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã gần nửa thế kỷ nay trùng hợp với những câu hỏi của ngôn ngữ học hiện đại đó là: "Viết và nói để làm gì? (mục tiêu); Viết và nói cho ai? (đối tượng); Viết và nói cái gì? (nội dung); Viết và nói như thế nào? ( phương pháp)".

Hồ Chí Minh đã đạt hiệu quả thật tuyệt vời trong việc đáp ứng những yêu cầu cơ bản và hiện đại của việc viết và nói; bằng một phong cách ngôn ngữ rất đa dạng, nhưng thống nhất ở một điều mà nhiều lần Bác nêu rõ: "Viết và nói sao cho nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Có khi Bác còn nhấn mạnh hơn: "Viết và nói sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm..." ( Phạm Văn Đồng - Tuyển tập Văn học, NXB Văn học,1996, tr.722-723).

Học tập kinh nghiệm của Bác Hồ về hoạt động báo chí đồng thời chúng ta cũng thấm nhuần "Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí " để góp phần xây dựng một Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, sánh vai với bạn bè tiến bộ khắp năm châu như sinh thời Bác vẫn hằng ước mong.

                                   

Nguyễn Xuân Tùng

 

</body>
Liên kết
×