English | Français   rss
Liên kết
Giáo sư A Min Tjoa: Huế là một địa điểm lý tưởng để tổ chức các hội nghị quốc tế (09-05-2011 00:38)
Góp ý

Ngày 13/4/2011, Đại học Huế đã long trọng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Giáo sư Danh dự cho Giáo sư A Min Tjoa, Giám đốc Viện Công nghệ phần mềm và các hệ thống tương tác - Đại học Công nghệ Vienna, Cộng hòa Áo và là điều phối viên ASEA-UNINET. Nhân sự kiện này, PV BT ĐHH đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư.

 

PV: Kính chào Giáo sư. Rất hân hạnh được trò chuyện với GS nhân dịp Ông nhận danh hiệu Giáo sư Danh dự của Đại học Huế. Bản thân tôi đã được gặp GS cách đây gần 10 năm, lúc đó, ông đến Huế lần đầu tiên cùng với TS. Nguyễn Thanh Bình. Tôi tò mò muốn biết điều gì đã khiến ông gắn bó với Huế, với Đại học Huế trong suốt thời gian qua.

GS. A Min Tjoa: Đúng rồi, cũng đã 10 năm. Những gắn bó của tôi đối với Đại học Huế bắt đầu từ những hoạt động liên quan đến mạng lưới các Trường Đại học Á Âu (ASEA-UNINET). Đây là mạng lưới được thiết lập nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo thông qua hợp tác của các trường đại học thành viên. Nền tảng ban đầu của mạng lưới này là sự hợp tác giữa các trường đại học ở Đông Nam Á và các trường đại học ở Áo. Đến năm 1999 ASEA-UNINET trở thành mạng lưới các trường đại học Á - Âu như ngày nay.

Ban đầu, ở Việt Nam, chỉ có các trường đại học ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tham gia như là thành viên của Việt Nam vào ASEA-UNINET. Mãi đến năm 2000, tôi đã cố gắng giới thiệu Đại học Huế vào mạng lưới này. Và kết quả là năm 2005, khi tôi cùng đồng nghiệp của tôi lúc bấy giờ là GS. Revell mời Giám đốc Đại học Huế lúc bấy giờ là GS. Nguyễn Viễn Thọ tham dự một cuộc họp tại Oxford để giới thiệu về Đại học Huế, Đại học Huế đã được chấp nhận trở thành thành viên của mạng lưới này và đã tạo được sự chú ý cho chính quyền và các nhà lãnh đạo đại học ở Áo.

Năm 2007 - 2009, tôi được vinh dự đi cùng đoàn Bộ trưởng Khoa học và Nghiên cứu đến thăm Đại học Huế. Chuyến thăm lần đó là mở đầu cho chương trình hợp tác đào tạo cử nhân và thạc sĩ về Du lịch bền vững và nghiên cứu môi trường ở Huế.

Cũng trong năm 2007, Phó Hiệu trưởng Hans Kaiser của chúng tôi cũng đã thăm và ký kết hợp tác chính thức với Đại học Huế và khởi động chương trình đào tạo tiến sĩ liên kết giữa hai đại học.

Như Phó Hiệu trưởng Hans Kaiser nhấn mạnh, các mối quan hệ hợp tác giữa các đại học chỉ thành công nếu được phát triển từ dưới lên. Điều này có nghĩa là mối quan hệ giữa các cá nhân, con người giữa các đại học là nền tảng cho sự hợp tác học thuật. Sự thành công không thể là mối quan hệ áp đặt từ trên xuống. Yếu tố quan trọng nhất của một đại học là con người. Vì vậy, kết quả quan trọng nhất của sự hợp tác là sự thành công của những con người liên quan.

PV: Là người hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Giáo sư có thể cho một vài nhận xét về những nghiên cứu sinh đến từ Đại học Huế?

GS.A Min Tjoa: Trường hợp của tôi, mối quan hệ với Đại học Huế bắt đầu từ sinh viên đầu tiên từ Huế, TS. Nguyễn Thanh Bình, người đã đến TU Vienna bằng học bổng của ASEA-UNINET. Anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ sau khi xuất bản nhiều bài báo khoa học có giá trị. Và khi tôi được Liên hiệp quốc yêu cầu giới thiệu một chuyên gia để xây dựng Hệ thống thông tin rừng toàn cầu cho Liên hiệp quốc tế của các Tổ chức nghiên cứu về Rừng, tôi đã giới thiệu TS. Bình. Cho đến nay, anh vẫn đang làm việc trong lĩnh vực thông tin môi trường. Chúng tôi có thể tin tưởng rằng những kiến thức mà anh Bình gặt hái được từ Đại học Công nghệ Vienna cũng như các viện nghiên cứu ở Áo sẽ rất hữu ích trong việc đáp ứng những thách thức khoa học trong việc lưu trữ quản lý dữ liệu cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Một người tiếp theo là TS. Hoàng Hữu Hạnh, người cũng đã nhận học bổng từ ASEA-UNINET. TS. Hạnh đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực ngôn ngữ truy vấn xử lý thông tin theo ngữ nghĩa. Khi Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore một Đại học nổi tiếng về Kỹ thuật máy tính và Không gian cần một chuyên gia hỗ trợ họ xây dựng một kiến trúc phần mềm tổng thể với khả năng cộng tác thông tin của các quy trình không đồng nhất, một vấn đề chưa từng được nghiên cứu trước đây, tôi đã giới thiệu anh Hoàng Hữu Hạnh. Chỉ sau 6 tháng, anh đã xây dựng xong kiến trúc phần mềm tổng thể, yếu tố then chốt của dự án. Và tôi rất vui rằng hiện nay, các kết quả này đã được mở rộng bằng những bài báo nghiên cứu của PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Phó Giám đốc Đại học Huế. Cách tiếp cận từ dưới lên mà tôi đã đề cập ở trên đã đạt đến cấp cao nhất của Đại học Huế.

Hiện nay, đang có 2 nghiên cứu sinh là nữ từ Đại học Huế là Trần thị Kim Thành và Hoàng thị Ánh Dương . Tôi rất vui là họ đang làm việc rất tốt. Bởi vì chúng tôi có rất ít nghiên cứu sinh là nữ ở Áo nên hai nữ nghiên cứu sinh này sẽ là hình mẫu cho các sinh viên nữ của chúng tôi.

Theo ý kiến tôi thì các sinh viên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Huế nhận học bổng ASEA-UNINET làm việc rất tốt, chăm chỉ trong môi trường nghiên cứu độc lập và là những nhà khoa học tài năng.

PV: GS đã giảng bài và tham gia Hội thảo Quốc tế ACIIDS 2010 và sắp tới, vào tháng 12/2011, sẽ có các hội nghị quốc tế lớn về Công nghệ Thông tin. GS có nghĩ Đại học Huế là một địa điểm tốt để tổ chức các hội thảo tầm cỡ quốc tế như vậy?

GS. A Min Tjoa: Đúng như vậy. Chúng tôi chia sẻ với nhau rằng, một cách hiệu quả để thúc đẩy hợp tác là mang các nhà khoa học xích lại gần nhau bằng các hội thảo quốc tế như vậy. Và Huế của các bạn với vẻ đẹp về thiên nhiên và sức cuốn hút của văn hóa, của nghệ thuật ẩm thực là những yếu tố cạnh tranh. Tôi thật sự vui mừng khi TS. Hoàng Hữu Hạnh đã thành công trong việc lôi cuốn được các hội nghị hàng đầu trong năm nay. Những hội nghị này cũng có nguồn gốc từ Áo. Đó là Hội nghị quốc tế lần thứ 13 - iiWAS 2011 với chủ đề Tích hợp thông tin và Ứng dụng-dịch vụ dựa trên Web - Information Integration and Web-based Applications & Services và Hội nghị quốc tế lần thứ 9 - MoMM 2011 về Những tiến bộ của tính toán di động và đa phương tiện - Advances in Mobile Computing & Multimedia.
Tôi tin rằng các hội nghị này sẽ rất thành công như hội nghị năm ngoái ACIIDS (Hội nghị quốc tế về Các Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu thông minh). ACIIDS 2010 đã chứng tỏ rằng Huế là một nơi lý tưởng cho các hội nghị khoa học lớn.
Những hội nghị tầm cỡ quốc tế và có chất lượng là những thuận lợi to lớn trong việc kết nối các nhà khoa học hàng đầu của thế giới với đội ngũ làm khoa học và sinh viên Đại học Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.


Tôi hy vọng rằng ASEA-UNINET sẽ xem xét bên cạnh những phiên họp toàn thể sẽ tổ chức những hội nghị khoa học trong tương lai; trong trường hợp này, Huế là một lựa chọn tự nhiên như là một địa điểm lý tưởng.

PV: Liệu có nét tương đồng nào giữa Vienna và Huế, phải chăng chúng tôi có Sông Hương chảy trong lòng thành phố cũng như Vienna có Sông Danube trong lòng thành Vienna?

GS A Min Tjoa: Vâng, có nhiều nét tương đồng trong văn hóa giữa Huế và Vienna, đó là những thành phố giàu văn hóa. Chẳng hạn như, con người ở thành Vienna yêu âm nhạc và người Huế cũng vậy.

PV: GS có thể cho một vài lời khuyên đến cán bộ và sinh viên Đại học Huế, những người đang ấp ủ dự định tham gia chương trình học bổng ASEA - UNINET.

GS. A Min Tjoa: Hoạt động của ASEA-UNINET có 3 nội dung. Thứ nhất, là cung cấp các học bổng Tiến sĩ; thứ hai là các dự án hợp tác đào tạo và nghiên cứu; và thứ ba là trao đổi giảng viên và sinh viên.

Để tham gia tốt chương trình ASEA-UNINET, trước hết sinh viên phải chuẩn bị tốt về mặt ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Bên cạnh đó, tiếng Đức cũng rất cần thiết khi làm việc và sinh sống tại Áo.

Thứ hai là kỹ năng làm việc nhóm. Là một giáo sư về công nghệ phần mềm, tôi có thể nói rằng kỹ năng duy nhất cần thiết trong nghiên cứu là kỹ năng làm việc nhóm..

Thứ ba, bạn phải là người thực sự đam mê vấn đề mà bạn đang nghiên cứu.

Thứ tư, là phụ nữ, chắc chắn bạn phải hy sinh nhiều.

PV: Chân thành cảm ơn GS. Chúc GS dồi dào sức khỏe và tiếp tục đóng góp cho sự hợp tác của hai đại học chúng ta.

GS.A Min Tjoa: Vâng. Tôi thấy còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của hai đại học. Tôi xem danh hiệu mà tôi nhận được từ Đại học Huế ngày hôm nay là sự ghi nhận những công việc của tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp của tôi, những người rất năng động trong mạng lưới ASEA-UNINET.

PV: Một lần nữa, xin chúc mừng GS và chân thành cảm ơn.

------------------------------------------------

GS. Hans Kaiser - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Hợp tác Quốc tế - ĐH Công nghệ Vienna:

Cách đây 4 năm, khi đến ký quan hệ hợp tác với Đại học Huế, tôi đã cảm thấy phải lòng thành phố này mất rồi. Các bạn đã có cả văn hóa di sản đồ sộ, thiên nhiên ưu đãi, con người thân thiện và những món ăn tuyệt vời. Sinh viên Huế đến Vienna được trân trọng.

Sinh viên VN rất chăm chỉ, giỏi và đức tính tốt. Tôi mong muốn thúc đẩy nhanh chương trình đào tạo Tiến sĩ liên kết giữa hai đại học và hy vọng 6 ứng cử viên sẽ đến Vienna vào tháng 8 này.

Việt Nam và Áo có chung một nét tương đồng, đó là tài sản mà chúng ta có, tài sản về tuổi trẻ. Người Áo rất vinh dự đào tạo cho những tài sản trẻ trung này để họ trở lại phụng sự cho lợi ích của đất nước Việt Nam. Tôi nhận thấy rất vui mừng đóng góp cho các bạn trong việc hỗ trợ nghiên cứu, đưa ra những giải pháp tinh vi, phức tạp để giải quyết những vấn đề tương lai.

Trong dịp này, Đại học Huế trao danh hiệu GS Danh dự cho GS A Min Tjoa. Đây không chỉ là vinh dự của GS. A Min Tjoa mà còn là vinh dự của TU Vienna chúng tôi. Chúng ta hãy nhìn về tương lai tốt đẹp cho sự hợp tác này.


AH thực hiện

Liên kết
×