English | Français   rss
Liên kết
Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-3024: Phát huy và kết nối nguồn lực (25-08-2023 06:07)
Góp ý

Ngày 24/8, Đại học Huế tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Dự hội nghị có TS. Nguyễn Thị Thu Thủy,  Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Lê Anh Phương, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng, nguyên Giám đốc Đại học Huế; GS. Trần Đăng Hòa, Thành viên điều hành Hội đồng Đại học Huế; PGS.TS. Nguyễn Duân, Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Công đoàn các trường đại học, viện thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023-2024

 

Báo cáo của Hội nghị cho biết, năm học năm học 2022 – 2023 là năm học đầu tiên của nhiệm kỳ Ban Giám đốc Đại học Huế giai đoạn 2021 – 2026 với những thay đổi để thích ứng với sự phát triển Đại học Huế trên hành trình trở thành Đại học Quốc gia. Năm học 2022 – 2023, toàn Đại học Huế tuyển sinh 11.680 sinh viên đại học hệ chính quy vào các trường đại học thành viên, trường, khoa, phân hiệu, (đạt tỉ lệ hơn 83%); 1506 học viên cao học; 140 nghiên cứu sinh và dự bị tiến sĩ. Kết thúc năm học 2022 – 2023 có 13705 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.  Tại lễ khai giảng năm học, Trường Đại học Y – Dược nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 2. Nối tiếp thành công đó, các đoàn đánh giá nội bộ cấp Đại học Huế đã hoàn thành việc khảo sát chính thức và hỗ trợ rà soát hồ sơ tự đánh giá nhằm tiến đến công tác đánh giá ngoài chu kỳ 2 của các trường đại học: Khoa học, Kinh tế, Ngoại ngữ và Nông Lâm trong năm học 2022 - 2023.

 

GS.TS. Trần Đăng Hòa, Thành viên điều hành Hội đồng Đại học Huế phát biểu thảo luận 

 

Cũng trong năm học 2022 – 2023, có 4 chương trình đào tạo được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng: Báo chí, Công nghệ thông tin, Kiến trúc thuộc Trường Đại học Khoa học; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thuộc Trường Du lịch. Tính đến nay, Đại học Huế có 25 chương trình đào tạo đã được đánh giá ngoài. Đặc biệt, tháng 7/2023, Trường Đại học Y - Dược đón đoàn Đánh giá ngoài chất lượng chương trình đào tạo theo Tiêu chuẩn AUN - QA lần thứ 335 của Hội đồng Đảm bảo chất lượng Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đối với Chương trình đào tạo Cử nhân Xét nghiệm Y học. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên của Đại học Huế tham gia đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN - QA (Phiên bản 4.0). Mục tiêu đến năm 2025, Đại học Huế có 5% chương trình đào tạo đại học được kiểm định theo tiêu chuẩn này và phấn đấu trong năm 2024, các chương trình: Quản trị kinh doanh và Kế hoạch đầu tư - Trường Đại học Kinh tế, Sư phạm Toán tiếng Anh - Trường Đại học Sư phạm, sẽ hoàn thành kiểm định.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng, nguyên Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội nghị

 

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế phát biểu tại Hội nghị

 

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học phát biểu tại Hội nghị

 

Năm học 2022-2023, Đại học Huế đạt được nhiều kết quả đáng kể về khoa học công nghệ, nhiều sản phẩm được cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, Giấy chứng nhận bản quyền tác giả; sáng chế và 01 giải pháp hữu ích đang được công báo; 13 sản phẩm chuyển giao với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng; 4 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận, nâng tổng số nhóm nghiên cứu mạnh đã công nhận đến năm 2022 là 48 nhóm. Ban hành Quy định về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học và công nghệ ở Đại học Huế. 04 Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Huế đã tiến hành các phiên họp thẩm định hồ sơ và đánh giá báo cáo tổng quan của các ứng viên đăng ký xét năm 2023. Kết quả có 26 ứng viên đã được 04 Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Huế tín nhiệm đề nghị Hội đồng Giáo sư nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

 

Công tác hợp tác quốc tế của Đại học Huế đạt được các kết quả nổi bật. Vị thế của Đại học Huế đã được nâng cao thông qua các hoạt động xây dựng mạng lưới đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đại học Huế là thành viên tích cực và có trách nhiệm của 20 mạng lưới đại học, tổ chức đào tạo và nghiên cứu quốc tế; ký mới 58 thỏa thuận hợp tác với các cơ sở giáo dục/tổ chức, nâng tổng số thỏa thuận HTQT đang còn hiệu lực lên 204; Đón tiếp 388 đoàn khách quốc tế với tổng số 1627 lượt khách quốc tế đến thăm, thảo luận các cơ hội hợp tác, giảng dạy, làm việc học tập và thực tập; tổ chức 107 đoàn với 233 lượt các bộ và sinh viên Đại học Huế tham gia các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên môn, hợp tác nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục quốc tế.

 

Năm học 2022 – 2023 đánh dấu sự kiện Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên do Đại học Huế đăng cai tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn học sinh, sinh viên từ 63 tỉnh, thành trên cả nước. Cũng trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên do Đại học Huế tiên phong và đăng cai là dịp để xây dựng cầu nối vững chắc giữa giáo dục, nghiên cứu và thương mại; cùng nhau hoạch định chính sách, xây dựng môi trường, định hướng giải pháp phát triển. Đến nay, đã có 34 trường đại học, cao đẳng tham gia Mạng lưới sáng kiến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học và cao đẳng miền Trung và Tây Nguyên do Đại học Huế khởi xướng.

 

Đánh giá kết quả năm học, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, mặt dù đạt được những kết quả tốt, song Đại học Huế cũng đứng trước không ít những khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học, nguồn lực về cơ sở vật chất và tài chính chưa tăng, thách thức trong xếp hạng quốc tế, phát triển bền vững, thách thức trong duy trì và phát triển vị thế của Đại học Huế trong nước và quốc tế, tập thể Đại học Huế cần phát huy hơn nữa và kết nối chặt chẽ nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ; xây dựng môi trường học thuật kết nối tạo điều kiện để mỗi cán bộ giảng viên, sinh viên đều tiếp cận được cơ hội phát triển bản thân, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn Đại học Huế bằng cách đổi mới mô hình, phương pháp giảng dạy trong đào tạo và tuyển sinh; Xây dựng hệ thống chuyển đổi số trong quản lý điều hành; tăng cường các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế, hoạt động người học. 

 

 

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận về các vấn đề: mô hình quản trị Đại học Huế, thu hút nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu Đại học Huế thông qua khoa học công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học; phát triển và kết nối nguồn lực từ doanh nghiệp, cựu sinh viên.

Các tin mới hơn
Các tin đã đăng
Liên kết
×