English | Français   rss
Liên kết
Phát huy tính bền vững của nhà cộng đồng truyền thống trong bối cảnh hiện đại (21-02-2020 15:39)
Góp ý

Ngày 21/2/2020, Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Sự bền vững của nhà cộng đồng truyền thống trong bối cảnh hiện đại”. Tham dự hội thảo là các giáo sư, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

 

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu và phát triển kiến trúc cộng đồng truyền thống trong cuộc sống hiện đại giữa Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế và Trường Sau Đại học Nghiên cứu môi trường toàn cầu, Đại học Kyoto, Dự án phục dựng nhà cộng đồng truyền thống tại thôn A Ka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện hơn hai năm (3/2016 – 8/2018) với sự đóng góp công sức của cộng đồng, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tư vấn của nhóm chuyên gia. Quá trình phục dựng nhà theo 9 bước kéo dài từ tháng 5/2018 đến 8/2018 qua các giai đoạn khảo sát hiện trạng, thành lập dự án, thảo luận, thống nhất, khai thác vật liệu, gia công, cho đến công đoạn xây dựng. Ngày 22/8/2018, lễ khánh thành nhà Guol đã diễn ra tại thôn A Ka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Từ đó đến nay, ngôi nhà được đánh gía là ngôi nhà Guol đẹp nhất huyện Nam Đông, được dân làng thường xuyên sử dụng vào các hoạt động hội họp, nghỉ ngơi, các sự kiện của thôn, xã. Theo tham luận của TS. Nguyễn Ngọc Tùng và nhóm cộng sự, Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế và Đại học Kyoto, trong bối cảnh bê tông hóa các nhà Guol đã và đang diễn ra rất phổ biến trên các địa bàn sinh sống của dân tộc Katu, có thể nói đây là trường hợp điển hình để có thể lan tỏa và vận dụng cho việc phục dựng các ngôi nhà cộng đồng truyền thống.

 

 

Trong quá trình tồn tại và phát triển, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi và Trung bộ phải đối mặt với những thách thức, những khó khăn, chịu nhiều tác động từ quá trình chuyển đổi, cơ chế thị trường. Vấn đề bảo tồn di sản ở các cộng đồng phải bắt đầu từ nhiệm vụ phát triển, cộng đồng phát triển ổn định chính là điều kiện để bảo tồn si sản bền vững. Tham luận của TS. Lê Anh Tuấn, Phân Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia tại Huế đề cập đến phương pháp và mô hình “phát triển cộng đồng nhằm hướng tới sự đề cao vai trò nội lực của cộng đồng, nhấn mạnh tầm quan trọng sự tham gia của cộng đồng vào tiến trình phát triển. Phát triển cộng đồng nhằm đảm bảo xuất phát từ nhu cầu đích thực của người dân, có sự tham gia và tự quyết của người dân.

 

Hội thảo nhận được 23 tham luận của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều chủ đề đa dạng, hữu ích được trình bày tại hội thảo: Nghiên cứu và tìm ra những giá trị vật thể và phi vật thể nổi bậc của kiến trúc cộng đồng các dân tộc; Vai trò của cộng đồng, làng, chính quyền, nhà nghiên cứu đối với bảo tồn kiến trúc truyền thống cộng đồng; những đề xuất, gợi ý hoạt động, phương pháp cho việc phát huy giá trị bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống trong cuộc sống đương đại; Những gợi mở, tính khả thi trong việc chia sẻ kinh nghiệm thành công ở các trường hợp khác trong và ngoài nước và khả năng ứng dụng ở Việt Nam, đặc biệt là nhà cộng đồng truyền thống của dân tộc Katu ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

PV

Liên kết
×