English | Français   rss
Liên kết
Đề thi đại học, cao đẳng năm nay cải tiến theo hướng nào? (02-05-2003 07:37)
Góp ý
* Đề thi 2 môn văn và toán phải bám sát sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất đã ban hành năm 2000.  * Không ra đề ngoài chương trình và vượt chương trình THPT hoặc lắt léo, mang tính đánh đố.  * Không ra đề vào những phần đã giảm tải, cắt bỏ, phần đọc thêm.

Đề thi ĐH, CĐ năm 2003 sẽ được cải tiến để đảm bảo sát với nội dung chương trình lớp 12 THPT và đảm bảo cân đối giữa các phần trong chương trình.

Có ra đề thi theo phương pháp trắc nghiệm?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bành Tiến Long - Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Đề thi vào các trường ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu về kiểm tra những kiến thức cơ  bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương  trình THPT (chủ yếu là chương trình lớp 12). Đặc biệt, đề thi môn văn và môn toán phải  bám sát sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất đã ban hành năm 2000. Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, thống nhất, rõ ràng, không sai sót. Những vấn đề chưa mang tính chân lý, còn đang tranh luận về mặt khoa học sẽ không được đưa vào nội dung đề thi. Đối với các môn khoa học tự nhiên, cán bộ ra đề thi tránh ra những bài thi có nhiều cách giải. Cần phải hiểu rằng, kỳ thi ĐH, CĐ khác với các kỳ thi chọn HS giỏi, nên không ra những đề quá khó, đề có nhiều câu khó, phức tạp hay nội dung mang tính đánh đố. Trong từng đề thi, sẽ có nhiều câu hỏi nhỏ bám sát chương trình, nội dung sách giáo khoa THPT theo từng bộ môn. Đồng thời, có nhiều câu kiểm tra bao quát chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12, đảm bảo cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học từ năm  học 2000-2001. Nội dung đề thi phải nằm trong chương trình THPT, không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, kể cả những phần đã ghi trong văn bản quy định chương trình. Rút kinh nghiệm đề thi năm 2002 quá  dài, đề thi năm nay sẽ được rút gọn, dễ hiểu, rõ ý. Để đảm bảo công bằng, đề thi toán khối A phải khó hơn đề thi toán khối B, đề thi toán khối B phải khó hơn đề thi toán khối D. Đề thi hoá khối A phải khó hơn đề thi hoá khối B. Đề thi văn khối C phải khó hơn đề thi văn khối D. Cũng theo ông Bành Tiến  Long, đề  thi  năm nay vẫn được biên soạn như năm 2002 mà chưa biên soạn theo chương trình trắc nghiệm.

Có sợ bị lộ đề thi?
Đối với đề thi dùng chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn:
Quy trình biên soạn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức tại  một địa điểm biệt lập, được bảo vệ nghiêm ngặt theo  quy trình sau: Trưởng ban Đề thi tổ chức  quán triệt các yêu cầu về nội dung đề thi, quy trình làm đề thi, yêu cầu bảo mật cho các trưởng môn thi và các cán bộ tham gia biên soạn đề thi. Trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm. Đối với một số môn khoa học xã hội, phải  bốc thăm  chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó cán  bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn. Trưởng môn thi  làm việc với từng cán bộ biên soạn đề thi để hoàn chỉnh đề thi, đáp án và thang điểm. Sau đó, đề thi sẽ được tổ  chức phản biện với 3 người độc lập. Người làm phản biện không tiếp xúc với người ra đề thi, không mang theo tài liệu, không có đáp án và thang điểm, trực tiếp giải chi tiết đề thi (có bấm giờ). Sau đó, đề xuất ý kiến bằng văn bản với Trưởng môn thi về nội dung đề thi,  đáp án, thang điểm, độ  khó, độ dài của đề. Sau khi phản biện, người  ra đề và người phản biện phải họp lại để thống nhất ý kiến bằng biên bản về những điểm cần sửa chữa, bổ sung, thống nhất các phương án tổ hợp đề để không dùng nguyên đề do một cán bộ chủ trì biên soạn. Sau khi chỉnh sửa lần cuối đề thi, đáp án và thang điểm, với sự đóng góp ý kiến của cán bộ biên soạn đề và phản biện đề của từng môn, Trưởng môn thi ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban Đề thi. Trưởng ban Đề thi tự mã hoá các đề thi dự kiến theo ký hiệu I, II, III và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đề thi chính thức và dự bị. Toàn bộ đề thi chính thức và dự bị đều là tài liệu mật và phải nộp cho Trưởng ban Đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật.

Đối với trường tự ra đề thi:
Tuỳ  tình hình cụ thể của từng trường và  từng môn  thi, Trưởng ban Đề thi chỉ định một số giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi tham gia giới thiệu đề thi. Người  giới thiệu đề thi phải căn cứ vào yêu cầu, nội dung đề thi tuyển sinh, đối tượng và trình độ thí sinh dự thi và những yêu cầu cụ thể khác của Trưởng ban Đề thi để biên soạn và giới thiệu đề thi kèm đáp án và thang điểm chi tiết. Trước ngày thi môn đầu tiên, trong địa điểm cách ly, Trưởng  ban Đề thi làm việc trực tiếp và độc lập lần lượt với từng Trưởng môn thi với sự có mặt của Uỷ viên thường  trực Ban Đề thi. Trên cơ sở những đề thi đã được giới thiệu, Trưởng môn thi lựa chọn các câu hỏi từ những đề khác nhau để  tổ hợp thành 2-3 đề mới. Sau đó biên soạn đáp án và thang điểm chi tiết cho từng đề rồi trình Trưởng ban Đề thi xem xét. Trưởng ban Đề thi có thể thay đổi thứ tự các câu hỏi, thay câu này bằng câu khác hoặc yêu cầu Trưởng môn thi biên soạn lại. Căn cứ yêu cầu của Trưởng ban Đề thi, Trưởng môn thi hoàn chỉnh lại lần cuối đề thi dự kiến kèm theo đáp án và thang điểm chi tiết, ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban Đề thi. Trưởng ban đề thi tổ chức phản biện theo quy định và tự mã hoá các đề thi dự kiến theo ký hiệu I, II, III và tổ chức chọn một trong hai, ba đề dự kiến để làm đề thi chính thức, các đề còn lại làm đề dự bị, đồng thời quyết định thang điểm cho từng phần của đề thi chính thức và dự bị.

Báo Lao động

Liên kết
×