English | Français   rss
Liên kết
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh soi sáng con đường cách mạng Việt Nam (18-05-2022 15:49)
Góp ý

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là sự kết tinh trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh, lương tâm và khí phách của thời đại. 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự thống khổ của đồng bào và sự thất bại của các phong trào yêu nước, Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người theo đuổi lý tưởng cao cả: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Người đã thực hiện cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới để đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Đây là bước ngoặt vĩ đại, khởi đầu cho những thắng lợi nối tiếp của Cách mạng Việt Nam, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc

 

Tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam chìm trong “đêm trường nô lệ”  các phong trào đấu tranh yêu nước đều thất bại, với lòng yêu nước nồng nàn, ngày 05/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm phải tìm bằng được con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.

 

Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Nguyễn Tất Thành khước từ lời mời “Đông Du” và quyết định sang Phương Tây - nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề và tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Người đã sớm nhận ra rằng các cuộc cách mạng tư sản dù vĩ đại nhưng vẫn không giải phóng được những người lao khổ, nghĩa là cách mạng “không triệt để”. Người tích cực hòa mình vào phong trào công nhân, tham gia phong trào xã hội ở Pháp và các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế Cộng sản; Người đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa nhằm cổ vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. 

 

Hành trình gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trải qua rất nhiều công việc, thông qua hoạt động thực tiễn trong phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời qua việc tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga… để từ đó rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tháng 7/1920, Người đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin và tìm con đường giải phóng dân tộc. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

 

Năm 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 28/01/1941, Hồ Chí Minh trở về nước cùng với Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

 

Ngày 19/8/1945, Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo cách mạng nước ta, giành thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ năm 1946 đến năm 1954, Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đề ra đường lối “kháng chiến kiến quốc, kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh”. Đồng thời, Người trực tiếp chỉ lãnh đạo, tổ chức và chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ năm 1954 đến năm 1969, Hồ Chí Minh xác định và lãnh đạo thực hiện đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn, khoa học: “miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ; miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa phong kiến được Đảng Cộng sản lãnh đạo đã cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong điều kiện ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng phát triển và thấm sâu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kì gay go. Trước hành động leo thang hết sức tàn bạo của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh khẳng định chân lí của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đồng thời, khẳng định nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đồng bào và chiến sĩ cả nước chung sức, đồng lòng phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giữ vững lòng tin với Đảng với Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

 

Trước khi qua đời, Hồ Chí Minh để lại Di chúc - một văn kiện lịch sử kết tinh tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong Di chúc, Người đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu “xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

 

Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, tư tưởng của Người tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng tiếp tục lãnh đạo miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến thắng lợi. Từ năm 1975, cả nước độc lập, hòa bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của cách mạng; là tài sản tinh thần quý giá của Đảng, dân tộc Việt Nam Việt Nam, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Tư tưởng của Người không chỉ tiếp thu, kế thừa những giá trị, tinh hoa văn hóa của loài người, trong đó chủ yếu là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn giải đáp nhiều vấn đề của thời đại, của sự nghiệp cách mạng Việt Nam hơn một nửa thế kỷ, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng ta và nhân dân ta trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ không chỉ kế thừa những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn trong quá trình nghiên cứu, vận dụng những nguyên lý đó, Hồ Chí Minh đã loại bỏ những gì không phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, đề xuất những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra và giải quyết một cách linh hoạt, khoa học, hiệu quả. Tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, bao gồm một hệ thống những quan điểm lý luận, tư tưởng về chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh, về việc hiện thực hóa các tư tưởng ấy trong đời sống xã hội... Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, ngày càng tỏa sáng, chiếm lĩnh trái tim, khối óc của hàng triệu người dân đất Việt.

 

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Với hệ thống tư tưởng sâu sắc và những đóng góp to lớn cho cách mạng, sự mẫu mực trong đạo đức và phong cách, năm 1987, Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho Đảng ta và dân tộc Việt Nam, sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Qua nhiều năm nghiên cứu, Đại hội IX của Đảng (4-2001) đã tổng kết và nêu rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện. Điều đó càng khẳng định tư tưởng của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường cho Đảng ta, nhân dân ta trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Hơn 90 năm qua, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy vai trò lãnh đạo, sáng suốt đề ra các chủ trương, đường lối có tính chất quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Đại hội XII của Đảng chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân như mong muốn của Bác Hồ.

 

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng, khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trên tinh thần đó, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.

 

Đảng bộ Đại học Huế nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia

 

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế hiện là cơ sở giáo dục tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; luôn nằm trong tốp năm cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam, tốp 401 - 450 đại học hàng đầu Châu Á.

 

Đại học Huế (tiền thân là Viện Đại học Huế) được thành lập năm 1957, là cơ sở đào tạo giáo dục trình độ đại học đầu tiên ở miền Trung; đã và đang khẳng định được tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng như chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực. Trong hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (1998), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2002), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2012), Huân chương Lao động hạng Nhất (2017).

 

Thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Đảng bộ Đại học Huế đã lãnh đạo toàn diện xây dựng Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 với vai trò tiên phong, nòng cốt góp phần xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đề xuất và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia và đóng góp cho ngành giáo dục đào tạo nước nhà; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia.

 

Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW khẳng định tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia vào năm 2022, phấn đấu nằm trong top 300 trường đại học hàng đầu Châu Á.

 

Có thể khẳng định rằng trong suốt thời gian qua, Đảng bộ Đại học Huế luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc thúc đẩy Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển Tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

 

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Đại học Huế ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy cao độ truyền thống giáo dục và đào tạo, lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo… phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Huế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng văn minh, giàu đẹp và xây dựng Đại học Huế là trở thành hệ thống đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam./.

 

TS. Nguyễn Văn Quang

Liên kết
×