English | Français   rss
Liên kết
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án Trung tâm sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế (28-02-2021 23:57)
Góp ý

Ngày 28/2/2021, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Huế đã có các buổi làm việc với Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan về đề án Xây dựng Trung tâm OCOP tại tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tại Đại học Huế.

 

 

 

Đoàn công tác đã đi thực tế tại một số địa điểm đang triển khai mô hình cơ sở sản xuất OCOP 

 

Đề án Xây dựng Trung tâm sáng tạo và phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại tỉnh Thừa Thiên Huế (viết tắt: Trung tâm OCOP Huế) do Đại học Huế thực thiện, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) và các đơn vị có liên quan dựa trên Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – One commune, one product (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020 nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

 

Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên cả nước. Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là khu vực có các sản phẩm OCOP rất đa dạng và phong phú. Đây là khu vực có tới 1.121 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 25,2% các sản phẩm OCOP của cả nước, trong đó có tới 940 sản phẩm thực phẩm, 69 sản phẩm đồ uống, 50 sản phẩm thảo dược, 50 sản phẩm lưu niệm và trang trí nội thất… 

 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển, để đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Đây có thể xem là một lợi thế, nếu được chú trọng đầu tư, đặc biệt chú trọng công tác phát triển và đa dạng sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng như các tổ chức kinh tế gắn liền với các sản phẩm, phát triển các mô hình khởi nghiệp OCOP nhằm tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững.

 

Việc thành lập một trung tâm OCOP ở tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, đây là trung tâm để đào tạo khởi nghiệp OCOP, là nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị gia tăng cao, giới thiệu và xúc tiến thương mại hoá các sản phẩm OCOP trên cơ sở chuyển đổi số áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tư vấn phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP và sinh thái nông nghiệp. Trung tâm cũng là nơi tổ chức các sự kiện OCOP ở trong và ngoài nước theo chủ trương Thành phố 4 mùa lễ hội của Tỉnh.

 

Đại học Huế là một đơn vị nghiên cứu, một trung tâm đào tạo, khoa học – công nghệ chất lượng cao, với trọng tâm là các lĩnh vực mũi nhọn hàng đầu trong khu vực về khoa học sức khỏe, nông-lâm-ngư, môi trường, công nghệ sinh học. Cùng với Đại học Huế là Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Vietcraft, một đơn vị có hệ thống hội viên lớn trên cả nước, là cơ quan thực hiện rất nhiều các công việc liên quan đến các chuỗi giá trị của sản phẩm OCOP nói chung và thủ công mỹ nghệ nói riêng. Vietcraft cũng là đối tác của chương trình OCOP quốc gia, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm liên quan đến phát triển sản phẩm, tổ chức các sự kiện OCOP, xúc tiến thương mại. Sự kết hợp giữa Đại học Huế và Vietcraft là điều kiện quan trọng đầu tiên đảm bảo sự vận hành hiệu quả của Trung tâm OCOP Huế.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương ủng hộ chủ trương thành lập Trung tâm OCOP tại Huế, cùng với 2 trung tâm ở Hà Nội và Kiên Giang, với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quy mô. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ hình thành đề án, sớm được các cấp ngành phê duyệt để đi vào hoạt động, đưa những sản phẩm mới gắn với lợi thế của Huế, phát huy giá trị nội sinh, phục vụ cộng đồng.

 

Cùng ngày, đoàn công tác đã đi thực tế tại một số địa điểm đang triển khai mô hình xã thông minh tại xã Quảng Thọ; khảo sát cơ sở sản xuất OCOP Hợp tác xã mây tre đan Bao La; khảo sát cơ sở sản xuất OCOP Hương sạch Tân Nguyên.

 

PV

Các tin đã đăng
Liên kết
×