English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế cam kết không ngừng nâng cao chất lượng là sứ mạng thiêng liêng (28-04-2010 08:09)
Góp ý
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 tại Đại học Huế.

Sau khi lắng nghe các tham luận và các ý kiến thảo luận của sinh viên và cán bộ giảng viên trẻ của Đại học Huế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian hơn một tiếng để giải đáp những thắc mắc, trao đổi, chia sẻ những băn khoăn của sinh viên, chỉ đạo những vấn đề trọng tâm, giải pháp thực hiện với mong muốn Đại học Huế sẽ đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục trong thời gian tới. Trang tin điện tử Đại học Huế đã lược ghi và xin giới thiệu cùng độc giả.

...

Hôm nay là ngày thứ bảy nhưng tôi thấy hội trường này rất đông, điều đó chứng tỏ vấn đề mà chúng ta nêu ra đã được sinh viên quan tâm, thầy cô quan tâm, quản lý ngành quan tâm, nhà trường quan tâm, đại diện các doanh nghiệp quan tâm, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ đi lên. Xin hoan nghênh sự đóng góp của tất cả các đồng chí và các em sinh viên.

Tôi đã nghiên cứu các báo cáo từ Đại học Huế và thấy rằng có nhiều báo cáo rất đáng lưu tâm. Chúng ta tự hào kết quả giáo dục trong hơn 20 năm qua. Chúng ta thiết kế những dàn khoan đầu tiên, cầu Cần Thơ và nhiều cây cầu khác, chúng ta thiết kế những chiếc tàu 50 nghìn tấn, xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La... mà không có chuyên gia nước ngoài. Điều đó có thể nói rằng, hằng trăm nghìn kỹ sư, cử nhân... chính là các lực lượng chủ yếu để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hoạt động và phát triển, tạo ra giá trị gia tăng. Cho nên, nếu lấy giá trị thực tiễn làm thước đo thì chúng ta tự hào rằng giáo dục đào tạo góp phần rất lớn cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh sự tự hào đó, chúng ta không thể tiếp tục quản lý giáo dục như vừa qua nữa, đó chính là câu chuyện mà chúng ta đang nói đến. Chúng ta đã phát triển tăng quy mô sinh viên, quy mô tốt nghiệp ra trường, tăng giáo viên... 10 năm nay chúng ta đã đặt vấn đề nâng cao chất lượng nhưng chuyển biến chậm và chưa hiệu quả.

Như ý kiến của bạn giảng viên trẻ Thúy Đạt (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế) vừa phát biểu trong tham luận rằng vẫn còn tồn tại vòng luẩn quẩn giữa doanh nghiệp - nhà trường và sinh viên. Doanh nghiệp than phiền nhà trường đào tạo không chất lượng, sinh viên than phiền chất lượng đào tạo mà mình nhận được... Cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm? Tôi khẳng định rằng, mọi người đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này, nhà trường có trách nhiệm, doanh nghiệp có trách nhiệm và sinh viên phải có trách nhiệm với bản thân mình. Những ai quan tâm đến chất lượng đào tạo thì phải tham gia vào đảm bảo chất lượng. Chính phủ vào cuộc, Bộ vào cuộc, nhà trường, doanh nghiệp tham gia và giám sát bằng những biện pháp cụ thể. Bốn phía cùng làm, tạo sự đồng hướng thì chất lượng sẽ được nâng cao.

Bài học đầu tiên vừa qua là chúng ta chưa thực sự chú trọng đến chất lượng, chưa tạo được sự đồng hướng giữa chất lượng và lợi ích liên quan đến chất lượng.  Tại sao có tiêu cực trong thi cử, đây là ví dụ về lợi ích của sinh viên, giáo viên không đồng hướng với lợi ích quốc gia.

Vì vậy, vấn đề đổi mới của toàn ngành đang thảo luận chính là thiết kế một cơ chế mới hỗ trợ, động viên mọi người cùng chung một mục tiêu, con đường, nếu ai không theo sẽ bị nhắc nhở và thậm chí sẽ bị đào thải.

Trong chương trình của Bộ có 12 việc Bộ phải làm trong đó việc đầu tiên là cùng với nhà trường tổ chức thảo luận toàn ngành về nội dung vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Vậy thì, những vấn đề lớn đặt ra cho Đại học Huế là:

1. Đại học Huế cần cam kết coi việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là sứ mạng thiêng liêng của lãnh đạo nhà trường và sinh viên.

2. Đại học Huế cam kết đào tạo người tốt, các doanh nghiệp sử dụng lao động phải tham gia cùng chúng tôi để có được những sản phẩm mà các doanh nghiệp mong muốn. Lãnh đạo nhà trường, các thầy cô kêu gọi khuyến khích và tìm cách hợp tác chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo. Cần trả lời các câu hỏi: Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin sinh viên ra trường cần có những kỹ năng gì? Doanh nghiệp cần phải đóng góp gì vào quá trình đào tạo?
Đại học Huế có 7 trường, 3 khoa, mỗi đầu mối chọn 3 doanh nghiệp hoặc 3 cơ quan sử dụng nhiều nhất nguồn nhân lực của mình để trở thành đối tác chiến lược của mình trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nhận người thực tập, đánh giá sinh viên sau khi ra trường. Các doanh nghiệp phải biết chọn trường tốt, có tiềm năng cung cấp nguồn nhân lực cho mình làm đối tác chiến lược. Doanh nghiệp Nhà nước phải đi đầu trong việc nhận sinh viên thực tập và tham gia vào quá trình đào tạo. Bộ sẽ vận động tất các các doanh nghiệp nhà nước là địa chỉ thực tập của sinh viên các trường đại học.

3. Thực hiện tốt hơn 3 công khai: trong mỗi khoa phải có số liệu thống kế tỉ lệ sinh viên của từng ngành ra  trường có việc làm. Đó là chỉ số gián tiếp của đào tạo. Công khai là chấp nhận sự giám sát của xã hội và kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội. Cái tốt thì khen, hạn chế thì nhắc nhở, khó khăn thì cùng chia sẻ.

Về giải pháp thực hiện:

•-         Đại học Huế đã công bố 100% ngành đào tạo có chuẩn đầu ra và cần điều chỉnh các chuẩn đầu ra 3 năm một lần.

•-         Xây dựng bộ tài liệu chuẩn của Đại học Huế về đổi mới phương pháp giảng dạy là như thế nào. Từng trường xây dựng tài liệu cầm tay cho giảng viên, thảo luận thống nhất và báo cáo với Đại học Huế bổ sung, công bố tài liệu đó, từ xác định phương pháp, chuẩn bị bài giảng, mối quan hệ giữa thầy và trò, kiểm tra, thảo luận như thế nào...Tiến đến cấp chứng chỉ về việc đổi mới phương pháp cho những giáo viên có đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả 3 năm một lần. Như vậy, bên cạnh chuẩn chương trình, chuẩn sách giáo khoa, nay có chuẩn giáo viên và chuẩn phương pháp giảng dạy. Đổi mới phương pháp là tài nguyên cần chia sẻ cho các trường. Và cần nhận thức rằng đổi mới phương pháp giảng dạy bản chất là đổi mới quá trình sư phạm chứ không phải là công cụ.

•-         Về giáo viên: hiện nay Đại học Huế có 19% tiến sĩ, 41% thạc sĩ. Lộ trình đến năm 2015 sẽ chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học ở Đại học Huế, giảng viên là cử nhân không đứng lớp, 3 năm tới động viên những người còn lại làm thạc sĩ, 5 năm nữa sẽ có 85% trình độ trên đại học.

•-         Về sinh viên: chất lượng cao chính là cho sinh viên. Vì vậy, sinh viên phải có phương pháp học tập đúng. Đoàn viên thanh niên, giảng viên trẻ Đại học Huế nên biên soạn tài liệu: phương pháp học tập của sinh viên Đại học Huế, đó là tài liệu sinh hoạt đầu năm cho sinh viên năm thứ nhất. Năm thứ hai sẽ có phương pháp nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Đại học Huế. Thế hệ đi trước cùng viết để chia sẻ cho thế hệ đi sau theo hướng sinh viên mỗi trường có phương pháp đặc thù.

•-         Phải chỉ ra khi sinh viên gặp khó khăn thì lối ra là như thế nào. Biết lý do khách quan để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình học tập của sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên học tập tốt.

•-         Sinh viên khó khăn về kinh tế: ngoài các nguồn vốn cho vay từ Chính phủ dành cho các diện sinh viên nghèo, khó khăn đột xuất, nên có chương tình tư vấn giới thiệu việc làm trong các trường đại học. Ví dụ, sinh viên Trường nghệ thuật sẽ được giới thiệu làm việc với Sở văn hóa, các đoàn nghệ thuật, đảm bảo đúng chuyên môn, rèn luyện nghề nghiệp và giúp có thu nhập.  

•-         Về các kỹ năng mềm, nên liệt kê các kỹ năng mềm mà trường cần ở sinh viên và tổ chức bồi dưỡng theo nhu cầu ngành nghề: Ngoại ngữ, Tin học ứng dụng, Kinh tế, khả năng thuyết trình và nói chuyện, phỏng vấn, làm việc nhóm, xử lý tình huống khẩn cấp, khủng hoảng; vượt qua chính mình. Đoàn thanh niên, phòng giáo vụ cùng phối hợp chuẩn bị cho sinh viên.

•-         Sinh viên phải quan tâm tìm việc làm từ năm thứ 3. Ngành giáo dục nên quy hoạch hằng năm toàn ngành cần cơ cấu giáo viên ngành nghề như thế nào để đặt hàng từ các trường sư phạm. Phấn đấu 3 năm cơ bản hoàn thành việc thừa thiếu giáo viên.

•-         Đại học Huế tìm và xác định 30 doanh nghiệp để xây dựng đối tác chiến lược và tổ chức buổi ký văn bản hợp tác, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, coi doanh nghiệp là một yếu tố cấu phần của quá trình đào tạo.

•-         Vấn đề sinh viên tham gia đánh giá giảng viên: Đoàn thanh niên cam kết với nhà trường cùng với các cấp hướng dẫn sinh viên làm tốt việc này. Nếu không có phản hồi từ sinh viên về phương pháp giảng dạy thì không có cơ sở để nhà trường đổi mới. Tôi mong muốn Đại học Huế đi đầu trong việc này, để vấn đề này trở thành văn hóa của trường đại học. Chúng ta có quyền dạy sinh viên nhưng cũng có nghĩa vụ lắng nghe sinh viên nói về những điều mình dạy mới tạo nên động lực thực sự.

•-         Theo đó, giảng viên hằng năm đánh giá về sự lãnh đạo của trưởng khoa và phó khoa, trưởng và phó khoa đánh giá Ban Giám hiệu nhà trường. Cấp trên nhận phản hồi từ cấp dưới để khắc phục và đổi mới. Tốc độ đổi mới phụ thuộc vào tốc độ các lần phản hồi.

•-         Đại học Huế triển khai thí điểm trả lương, thưởng cho tiến sĩ, gắn với hiệu quả chuyên môn và công việc, phân biệt giữa người làm tốt và chưa tốt ngay trong cán bộ chủ chốt, đi sâu hướng trân trọng đánh giá đúng giảng viên.

•-         Cần có lộ trình chuẩn hóa về ngoại ngữ cho giảng viên, tạo điều kiện tất cả giáo viên từ thạc sĩ trở lên đến 2015 phải dung được một ngoại ngữ.

•-         Về vấn đề thi cử: sử dụng hiệu quả ngân hàng đề thi, làm thế nào để sinh viên không quá căn thẳng trước kỳ thi mà phải hiểu rằng cần phải nỗ lực ngay từ đầu. Cần thảo luận và đưa ra ý kiến Đại học Huế đổi mới cách thi như thế nào như là một vấn đề của công nghệ đào tạo.

...

Cuối cùng xin cảm ơn lãnh đạo nhà trường, sinh viên đã dành thời gian chia sẻ những thông tin bổ ích tại Hội thảo này.

(Hồng Sam ghi)

Liên kết
×