English | Français   rss
Liên kết
Kỷ niệm 120 ngày sinh của Bác Hồ: Giữa rừng Việt Bắc nghe đọc Di chúc của Bác Hồ (19-05-2010 06:29)
Góp ý
Tháng 8 năm 1968, tôi có niềm vui lớn là được trường Bổ túc Văn hóa Công nông khu tự trị Việt Bắc, nơi tôi đã dạy học từ năm 1962, cử đi học để nâng cao trình độ tại trường Đại học sư phạm Việt Bắc. Ngày ấy, để tránh bom đạn từ máy bay Mỹ dội xuống, trường ĐHSP Việt Bắc sơ tán về vùng núi rừng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong những ngày chờ đợi khai giảng năm học mới, chúng tôi- sinh viên các lớp năm thứ nhất hàng ngày vác dao vào rừng chặt tre nứa về dựng lớp học, làm giường nằm, bàn viết v.v...

Sau một ngày lao động vất vả, đêm đến chúng tôi quây quần bên nhau thành từng nhóm trò chuyện, ca hát rất vui vẻ... Nhưng thích nhất là tập trung về phòng anh Sang, một sinh viên dân tộc Tày, người Hà Giang để nghe các chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam phát qua rađio (hồi ấy rađio là của hiếm, cả lớp tôi chỉ có được một cái của anh Sang).

Một hôm, tôi nhớ là vào cuối tháng 8, tôi đang ngồi đọc sách trong phòng, thì anh Sang hốt hoảng chạy qua cho tôi biết là Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ra thông báo về việc Bác Hồ ốm nặng. Nghe tin dữ ấy, chúng tôi ai cũng lo lắng, bồn chồn. Hễ rỗi lúc nào là chúng tôi lại qua phòng anh Sang để nghe tin tức về sức khỏe của Bác Hồ được Đài tiếng nói Việt Nam phát hàng ngày.

Rồi cái ngày được nghe thông báo của BCH Trung ương Đảng về việc Bác Hồ đã tạ thế, chúng tôi ngồi lặng đi hồi lâu... Đêm giữa rừng Việt Bắc chỉ còn nghe tiếng côn trung rả rích mà thôi. Ngày ngày, sinh viên chúng tôi vẫn vác dao vào rừng chặt tre nứa, nhưng đêm về, cả khu cư xá im lìm, chẳng còn nghe một tiếng nói to... Lại xúm quanh cái rađio của anh Sang để nghe các bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày Đảng và Nhà nước ta tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng tại quảng trường Ba Đình lịch sử, sinh viên chúng tôi được nghỉ lao động để nghe Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp buổi Đại lễ này. Hơn hai trăm anh chị em sinh viên chúng tôi gồm nhiều thành phần dân tộc: Kinh, Mường, Tày, Thái, Dao, HMông, Sán Dìu, Sách, Hà Nhì v.v... ngồi lặng yên trong lớp học như nuốt từng lời "Di chúc của Bác""Điếu văn của Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam". Giọng cố Tổng bí thư Lê Duẩn, mang nặng âm sắc của vùng đất Quảng Trị thực sự gây xúc động lớn cho toàn thể người nghe. Khi nghe ông đọc đến câu: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!" cả lớp không ai là không khóc. Hai trăm sinh viên chúng tôi giàn dụa nước mắt. Nhiều nữ sinh viên khóc to thành tiếng như khóc ông bà, cha mẹ của mình khi họ lâm chung vậy... Trong đời dạy học của tôi, chưa bao giờ tôi thấy có một buổi lễ lớn nào gây xúc động đến như thế, dù chúng tôi chỉ biết buổi lễ ấy được tường thuật qua Đài tiếng nói Việt Nam.

Mấy hôm sau, chúng tôi được đọc Bản Di chúc của Bác in trên báo Nhân dân. Tôi và rất nhiều bạn sinh viên cùng lớp đã chép hết cả bản "Di chúc" ấy bằng những dòng chữ nắn nót nhất, đẹp nhất mà mỗi chúng tôi có thể viết được. Đến nay, 40 năm tròn đã trôi qua, trong cuốn sổ ghi chép của tôi vẫn còn đó Bản Di chúc của Bác Hồ (công bố vào năm 1969) cùng các bài thơ "Bác ơi" (Tố Hữu)¸ "Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi" (Hải Như), "Gửi lòng con đến cùng Cha" (Thu Bồn), "Bác đời đời vẫn sống" (Hoàng Trung Thông), "Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương" (Việt Phương), "Nghe Bác Hồ dặn lại" (Bằng Việt), "Chuyện thần thoại về Người" (Nguyễn Vũ Tiềm), "Đinh ninh lời thề" (Xuân Thủy), "Trung thu năm 1969" (Chế Lan Viên), "Rừng cây của Bác" (Chính Hữu), "Cháu thề phấn đấu suốt đời" (Trần Đăng Khoa)... mà tôi chép được trên báo chí trong thời gian đó.

Bao nhiêu năm qua, mỗi lần có dịp đọc lại Bản Di chúc lịch sử mà Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, chúng ta thực sự học được rất nhiều bài học quý báu. Bác nói về việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, về việc thực hành dân chủ rộng rãi; Bác căn dặn: phải "thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê và phê bình", "mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự  thấm nhuần đạo đức cách mạng; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"... Qua Di chúc, chúng ta thấy Bác rất quan tâm đến việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho Đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng", vừa "chuyên". Quan tâm đến đời sống của nhân dân lao động, Bác viết: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" v.v... Những vấn đề trọng đại như vậy của Đảng, của dân tộc, của đất nước, Bác đã viết với tất cả tấm lòng của một người suốt đời "tận trung với nước, tận hiếu với dân".

Cùng với "Tuyên ngôn độc lập" (1945), "Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân suốt đời hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại" (Trích lời Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- in trong tập "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" xuất bản năm 2004).

NGƯT - Trần Hoàng

Liên kết
×